Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về thị trường trong nước

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo thêm động lực phát triển đất nước, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt trước sức ép cạnh tranh của toàn cầu hóa và hội nhập.

alt

Cùng với sự phát triển đất nước, cải thiện thu nhập và nâng cao dần nhận thức, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thông thái hơn, nhu cầu và sức mua hàng hiệu, hàng sạch, chất lượng và độ tin cậy cao ngày càng tăng. Hàng Việt Nam đã, đang và sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam tốt hơn khi chúng được sản xuất và tổ chức phân phối đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và dịch vụ hậu mãi theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Thương hiệu là tài sản vô hình có giá và góp phần tạo dựng tạo uy tín, lợi thế thành công của doanh nghiệp. Nhưng người tiêu dùng hiện đại không lựa chọn hàng hóa và dịch vụ vì tên hay, logo đẹp, lời quảng bá bóng bẩy, mà là thiết kế, tiện ích, chất lượng, giá cả của hàng hóa, dịch vụ đó, cũng như thái độ ứng xử và dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là quá trình đầu tư lâu dài, bền bỉ và liên tục cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp những dịch vụ tối ưu sau bán hàng, để người tiêu dùng và các đối tác biết đến, chấp nhận, tin tưởng và yên tâm khi lựa chọn sản phẩm theo thương hiệu của doanh nghiệp.

Lâu nay, doanh nghiệp Việt trong nhận thức và hành xử với thị trường nội địa còn mang tính áp đặt, tùy tiện, chưa quan tâm nghiên cứu thị trường, nhu cầu, thị hiếu người Việt, chỉ quen bán cái mình có, thậm chí chỉ bán hàng loại hai, loại ba, còn hàng tốt, hạng nhất thì ưu tiên xuất khẩu.

Không chỉ thiếu hàng chất lượng cao và giá cạnh tranh, mà việc thông tin, quảng bá hàng Việt cũng còn bị coi nhẹ và thiếu chuyên nghiệp. Chính xu hướng này khiến hàng nội chất lượng tốt vắng bóng trên thị trường và hàng nhập khẩu tràn lan. Người tiêu dùng Việt gặp khó khăn khi muốn mua hàng nội tốt, hình thành và củng cố định kiến về chất lượng hàng nội, tăng tâm lý sính hàng ngoại.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy về thị trường trong nước. Việc chỉ tiêu thụ trong nước hàng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đồng nghĩa với việc coi thường người tiêu dùng Việt và hơn nữa, bỏ trống sân nhà - phân khúc thị trường hàng chất lượng cao - cho hàng ngoại nhập tự do chiếm lĩnh, tung tác. Điều này, đến lượt mình, kéo dài tình trạng nhập siêu hàng ngoại cần thiết cho nhu cầu người dân, mà không thực sự cần thiết nhập khẩu nếu có hàng nội tốt thay thế.

Những nút thắt trên cần được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên liên quan nhận thức đúng đắn, đầy đủ và tập trung tháo gỡ bằng những biện pháp đồng bộ, hiệu quả, để tạo động lực khuyến khích người tiêu dùng Việt Nam ngày càng coi hàng Việt Nam như là sự lựa chọn đầu tiên và dài lâu trong cuộc sống.

Chỉ khi người Việt được ưu tiên dùng hàng Việt chất lượng tốt thì khi đó người Việt mới ngày càng sẵn lòng ưu tiên dùng hàng Việt.

VnCharm

Bình luận của bạn