Doanh nghiệp Việt: “Sân khách” khó chơi, ”sân nhà” khó giữ

Khi các hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với các nước được hoàn tất, mối lo ngại doanh nghiệp Việt không đủ sức cạnh tranh ngày càng hiển hiện rõ.

Doanh nghiệp Việt: “Sân khách” khó chơi, ”sân nhà” khó giữ

Ảnh minh họa.

Sân nhà – hết thời “một mình một chợ” rồi sẽ ra sao?

Việc các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh thấp không phải là vấn đề mới. Từ lâu các mặt hàng Việt trừ một số mặt hàng chủ lực như da giầy, may mặc, còn đa phần đều bị đánh giá là mẫu mã đơn điệu và thiết kế không bắt mắt. Tuy nhiên vấn đề này đang ngày trở nên rõ ràng hơn khi việc mất thị phần ngay tại thị trường trong nước – “sân nhà” và nước ngoài “sân khách” không còn ở mức “nguy cơ” mà đã trở thành thực tế ai cũng có thể thấy.

Dạo quanh một vòng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội, không khó để thấy những mặt hàng ngoại đã lặng lẽ đi vào thói quen tiêu dùng Việt như thế nào. Nếu như trước đây, các mặt hàng kem chỉ toàn sản phẩm kem Vinamilk, Thủy Tạ, Tràng Tiền, Merino, Celano – những thương hiệu Việt Nam thì nay những mặt hàng này đã phải nhường không ít “diện tích” tủ kem cho các nhãn hiệu kem của Hàn Quốc (Binggrae với các loại kem cá, kem Melona), Đức (Haagen Dazs)... có mức giá cao hơn.

Hoài Anh – nhân viên thu ngân một siêu thị mini khu vực Hoàng Cầu (Hà Nội) cho biết: “Các loại kem này vẫn bán chạy vì nhìn bao bì rất hấp dẫn, giá lại không quá chênh so với kem trong nước.”

alt
Các loại kem ngoại tràn ngập tủ kem trong các siêu thị Việt.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ của việc hàng hóa nước ngoài khi Việt Nam tham gia các khu vực mậu dịch tự do: ASEAN (AFTA), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, và Việt Nam - Chile. Trong khi đó, những hiệp định tự do thương mại sắp sửa hoàn tất như Việt Nam – EU hay đang trong khâu đàm phán như TPP còn hứa hẹn sẽ mang đến cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều.

Do đó, không cần nói đâu xa, để giữ được thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân sẽ là thử thách rất lớn cho các doanh nghiệp Việt. Thời gian qua, thị trường Việt chứng kiến rất nhiều sự có mặt của những ông lớn tên tuổi trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Robbins (Thái Lan)… Với kinh nghiệm quản lý và một nền sản xuất cung ứng tốt, các hãng bán lẻ này dự báo sẽ nhanh chóng chiếm thị phần đáng kể tại Việt Nam.

Muốn ra sân khách, phải hiểu luật chơi

Trong bài toán cạnh tranh, thị trường xuất khẩu dù rất hấp dẫn nhưng không dễ để doanh nghiệp Việt có thể “lấn sân”.

Lấy ví dụ hai thị trường gần gũi và đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dù thuế suất nhập khẩu dành cho các mặt hàng của nước ta vào các nước bạn đã được giảm đáng kể nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể khai thác tối đa các thị trường rất tiềm năng này.

Trong một hội thảo của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, câu chuyện làm ăn với doanh nghiệp Nhật đã được đưa ra bàn bạc.

Năm 2014, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo hiệp định VJEPA có hiệu lực từ năm 2009, rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được giảm mạnh thuế suất như nông sản, thuỷ sản, dệt may,... Tuy nhiên, ông Hà Huy Tùng - Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Tài chính cho biết: "Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật vẫn không thể được hưởng ưu đãi. Tiêu biểu là việc không đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật của Nhật. Ví dụ, gạo Việt Nam có năm xuất được sang Nhật, có năm không, do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép".

Ông Đỗ Văn Dũng - Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản cũng cho hay: "Tôi là người vừa trực tiếp bán hàng Việt sang Nhật Bản, vừa mua hàng từ Nhật về bán. Với nước Nhật, không đơn thuần giảm thuế là xuất được hàng. Muốn vào Nhật, doanh nghiệp phải chứng minh xuất xứ từng loại nguyên liệu, thời gian gia công, lương công nhân, đảm bảo độ tuổi công nhân trên 18 tuổi".

Nhật Bản sử dụng nhiều loại quả thông dụng ở Việt Nam như chuối, dứa, chanh, bưởi, xoài, dưa hấu, đủ đủ, ổi, măng cục, sầu riêng,... các loại rau quả tươi như cải bắp, súp lơ, hành, bí đỏ, tỏi tây, cà rốt..., nhưng chủ yếu nhập của Phillipines, Đài Loan, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Mexico.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất được sang Nhật số ít mặt hàng như đậu tương, rau chân vịt đông lạnh, khoai môn, hạt điều, chuối sấy khô,... với thị phần nhỏ. Thành công lớn nhất là các sản phẩm tôm, cua, mực đông lạnh,... nhưng đều bị kiểm soát gắt về về tồn dư thuốc kháng sinh.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Hàn Quốc.

Tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Hàn Quốc từ hiệp định ASEAN - Hàn Quốc và cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam”, đại diện Tập đoàn Lotte cho biết, những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng lớn ở Hàn Quốc là thủy sản, trái cây, rau củ quả. Nông sản Việt Nam khá rẻ so với Thái Lan và Trung Quốc nhưng chất lượng chưa đảm bảo.

alt
Thanh long muốn được nhập khẩu tươi vào Hàn Quốc phải qua kiểm nghiệm nghiêm ngặt về nhiệt độ.

Điểm yếu hay mắc phải là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm (lẫn nhiều sản phẩm hỏng), lẫn nhiều dị vật (đất, tóc, lá cây…). Trong đó, hai lỗi mà các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phản ứng gay gắt nhất là tình trạng lẫn dị vật hoặc lẫn nhiều sản phẩm hỏng.

Đây vốn là nước có quy định nhập khẩu rau quả hết sức nghiêm ngặt: các loại rau quả tươi nhập khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan chức năng của Hàn Quốc ban hành, các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp cần phải đạt được giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp sau khi họ đã kiểm tra dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị chế biến, kho lưu giữ bảo quản sản phẩm…

Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa đầu tư được máy móc thiết bị tương xứng. Đồng thời do chưa nắm bắt rõ các quy định làm thế nào để thông quan nhanh nên hàng của Việt Nam thường không còn tươi mới khi đến được địa điểm nhận hàng.

Giải pháp là gì?

Từng có thời gian làm giám đốc bán hàng cho Metro Việt Nam Hoàng Mai và hiện đang là giám đốc thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh nhượng quyền cho tập đoàn BIM, ông Nguyễn Việt Hà chia sẻ với chúng tôi, để tìm được nhà cung cấp trong nước đạt đủ tiêu chuẩn không hề dễ dàng, đặc biệt khi đòi hỏi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng của các đối tác nước ngoài. Trong khi thói quen của người tiêu dùng Việt thường có xu hướng ưa chuộng hàng Thái, hàng Nhật thì các sản phẩm của chúng ta lại chưa đủ sức để đánh bật các đối thủ đáng gờm này.

alt
Xây dựng quy trình sản xuất công nghệ cao đúng tiêu chuẩn thế giới là giải pháp cần thiết để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt ngay từ khâu đầu vào.

“Dù đúng là ai cũng muốn người Việt dùng hàng Việt, với 2 sản phẩm cùng chất lượng cùng mức giá, có thể tôi sẽ chọn hàng Việt. Nhưng khi hàng Việt chất lượng chưa bằng, giá lại cao hơn thì không thể bắt người tiêu dùng chọn chúng ta được” – ông Hà nhận xét.

“Gia nhập các hiệp định thương mại tự do, tất nhiên hàng nhập sẽ nhiều. Nhưng quan trọng nhất đối với các khách hàng là sản phẩm có đạt tiêu chí đặt ra hay không chứ không quan trọng đó là sản phẩm nội hay ngoại.

Thực tế công nghệ sản xuất nuôi trồng của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, không đáp ứng được tiêu chuẩn để cho ra sản phẩm chất lượng cao. Quan trọng nhất là cái gốc của việc đầu tư là từ khâu chăn nuôi cho tới giết mổ, đóng gói, bảo quản thì ở nước ngoài làm theo đúng quy trình khép kín nên rất đảm bảo vệ sinh. Tư duy chăn nuôi ở các trang trại cũng hoàn toàn khác.

Các công ty muốn có sản phẩm tốt thì phải lọc được ngay từ nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm trong nước muốn cạnh tranh được thì phải có đầu tư công nghệ, hệt thống luật pháp và tiêu chuẩn hàng hóa cũng cần rõ ràng. Nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn phát triển, đầu tư theo đúng tiêu chuẩn thế giới.

Hiện tại, đã có một số bắt đầu đi theo hướng đó và đang cho xây dựng nguồn nguyên liệu cung ứng cho chuỗi phân phối của mình. Tuy nhiên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng các sản phẩm nguyên liệu mà thôi. Kinh nghiệm và thay đổi tư duy – yếu tố con người không phải một sớm một chiều mà làm được.” – ông Hà nhận định.

“Tìm chỗ” cho doanh nghiệp Việt tại siêu thị nước ngoài

Đầu tháng 9, đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Để làm được điều này, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu;

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài; Thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối ở nước ngoài;

Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài; Nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.

Theo Trí Thức Trẻ

Bình luận của bạn