Đồng bằng sông Cửu Long: Người dân chọn hàng Việt nhiều hơn cho tiêu dùng hàng ngày

Đoàn kiểm tra Trung ương do ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Trưởng Ban thường trực CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm trưởng đoàn vừa kết thúc chuyến công tác kiểm tra CVĐ tại 3 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (An Giang, TP. Cần Thơ, Kiên Giang). Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Trình về công tác này…

alt

Ông Lê Bá Trình

PV: Thưa Phó Chủ tịch, qua chuyến làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông có nhận xét gì về những kết quả đạt được và cách triển khai thực hiện CVĐ tại những địa phương này?

Ông Lê Bá Trình: Sau hơn 3 năm triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL nói riêng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở những vùng dân cư xa xôi, phương tiện đi lại chưa được thuận lợi nhưng qua hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền và những chuyến "Hàng Việt về nông thôn” đã giúp người dân hiểu và tích cực mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam. Trong các siêu thị, Trung tâm thương mại cũng như trên thị trường nói chung, tỷ lệ hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được trưng bày và tiêu thụ ngày một tăng cao, có nơi lên đến trên 95% như các siêu thị Coopmart, các cửa hàng của hệ thống Vinatexmart…

Các giải pháp thực hiện CVĐ đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong những thời điểm mang tính nhạy cảm của hoạt động thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở các địa phương ngày một tăng cao. Có thể khẳng định, đại bộ phận người dân đã tin tưởng, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt cho tiêu dùng hàng ngày, tâm lý "sính” hàng ngoại được khắc phục đáng kể. Nhiều nơi, người tiêu dùng đã tỏ rõ thái độ khi "nói không” với hàng nhập ngoại không rõ xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng kém, không bảo đảm an toàn trong sử dụng...

PV: Địa phương nào có cách làm hay, điển hình cần được nhân rộng trong thời gian tới,  thưa ông?

Ông Lê Bá Trình: Các địa phương đã có nhiều cách làm cụ thể, sinh động trong quá trình triển khai CVĐ. Có những cách làm, tôi cho là thiết thực, mở ra những hướng mới thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng Việt như: Các địa phương đã chủ động phối hợp với các lực lượng, các cơ quan chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Ban Chỉ đạo tỉnh, thành đã chủ động phối hợp với ngành Công thương hoặc Siêu thị Coopmart kết hợp công tác tuyên truyền, vận động trong việc đưa hàng về các vùng sâu, vùng xa như ở An Giang, TP.Cần Thơ.

Địa phương có cơ chế, doanh nghiệp lại chủ động phối hợp, gắn kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm, cùng với xây dựng các kênh kết nối giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối trong tỉnh và các vùng miền trong nước như Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang – Antesco là một ví dụ.

Hợp tác chặt chẽ, gắn bó với nông dân xây dựng "Cánh đồng mẫu lớn” để làm chủ nguyên liệu cho các sản phẩm gạo chất lượng như của Công ty Cổ phần Gentraco TP.Cần Thơ. Nhà máy phân bón Đại Nông của Kiên Giang mặc dù quy mô hoạt động chưa lớn, nhưng đã không ngừng tìm tòi, mạnh dạn đầu tư các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của các sản phẩm phân vi sinh, chế phẩm sinh học. Vừa phục vụ chăm bón, vừa cải tạo đồng ruộng, ao nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường trong canh tác, sản xuất lúa và các sản phẩm thủy sản khác, được khách hàng tin dùng.

PV: Tuy nhiên, không thể không có những khó khăn, tồn tại, thưa ông?

Ông Lê Bá Trình: Đúng vậy. Đến nay, đã qua 3 năm triển khai CVĐ nhưng không ít cấp ủy vẫn chưa có Chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn tới tình trạng giao khoán cho Ban Chỉ đạo mà trực tiếp là Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam, ngành Công thương và một số cơ quan tuyên truyền cùng cấp. Vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về CVĐ.

Hiệu quả của công tác quản lý thị trường chưa cao, công tác bài trừ hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại vẫn còn nên chưa tạo ra được thị trường lành mạnh trong mua bán, kinh doanh. Hiện nay còn một thực tế là người dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng dư lượng thuốc kích thích, trừ sâu hoặc sử dụng các hóa chất làm đẹp mặt hàng nhưng lại tác hại đến sức khỏe…

Tại Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giao nhiệm vụ này rất cụ thể cho các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương. Nhưng các thủ tục hành chính như phân cấp chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm giữa Trung ương và địa phương; phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương trong thực hiện cấp phép hoạt động, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn còn những vướng mắc, chưa đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

alt

Đoàn công tác thăm chợ cổ Cần Thơ

PV: Thời gian tới, với các địa phương mà đoàn đã làm việc nói riêng và cả nước nói chung cần phải tập trung vào những nhiệm vụ, cách làm nào để tiếp tục thực hiện hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách hiệu quả?

Ông Lê Bá Trình: Theo tôi, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thường xuyên, kịp thời tôn vinh, biểu dương những cá nhân, tập thể, tổ chức thực hiện tốt CVĐ và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt. Lên án mạnh mẽ, xử lý mạnh tay đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực như sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, lưu thông mua bán hàng nhập lậu, không bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng…

Chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý thị trường, ngoài việc làm tốt công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất đang tìm cách nhập lậu vào địa bàn, cần phải có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về vốn, giải quyết hàng tồn kho. Hỗ trợ tổ chức các hoạt động kết nối thị trường, tạo lập kênh phân phối đưa hàng Việt đến người tiêu dùng…cũng như những rào cản về các thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hoạch định và thực thi quản lý, điều hành để tạo lập một thị trường mua bán lành mạnh.

Ban Chỉ đạo CVĐ ở các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động hàng năm, đặc biệt là tham mưu cho cấp ủy phối hợp với chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai CVĐ. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Về phía các doanh nghiệp, nhà sản xuất, phải xem việc tạo ra các sản phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, thường xuyên thay đổi cách quảng bá thương hiệu sản phẩm và thiết lập các kênh phân phối đến tận tay người tiêu dùng, cũng như thực hiện các dịch vụ phục vụ khách hàng sau bán hàng, xem đây là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mình trong điều kiện hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông !

Quốc Trung

Nguồn: Đại đoàn kết

Bình luận của bạn