Đồng Tháp: Hàng Việt về nông thôn nhiều và hiệu quả nhất

Khẳng định với Đại Đoàn Kết, ông Phan Văn Lâm - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNUTDHVN) tỉnh cho rằng, sau 4 năm triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đồng Tháp được Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đánh giá là một trong những địa phương tổ chức thực hiện cuộc vận động đạt kết quả tốt, đặc biệt là tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhiều nhất, hiệu quả nhất.

alt

Đồng Tháp tích cực trong việc tổ chức 
các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn
 
PV: Thưa ông, Ban Chỉ đạo CVĐ "NVNUTDHVN” đã tiến hành công tác chỉ đạo như thế nào đối với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động hưởng ứng Cuộc vận động "NVMUTDHVN” để nhân dân tham gia sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước? 
 
Ông Phan Văn Lâm: Đồng Tháp là địa phương chủ động triển khai thực hiện sớm Cuộc vận động "NVNUTDHVN”, trong đó, MTTQ tỉnh Đồng Tháp là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nên đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động  trong hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt. Đồng thời lồng ghép nội dung Cuộc vận động vào các hội nghị, sinh hoạt của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; quá trình thực hiện việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… gắn kết quả thực hiện Cuộc vận động với bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân ở địa phương, đơn vị. 
 
Công tác tuyên truyền, vận động được tập trung tổ chức với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế tại các đơn vị, đã góp phần tạo sự chuyển biến trong hành vi mua sắm của mọi người. 
 
Vậy kết quả nổi bật nhất sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "NVNUTDHVN” ở Đồng Tháp?
 
- 4 năm triển khai vẫn là khoảng thời gian ngắn, song thực sự cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội. Chúng tôi đã tổ chức được 24 phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn” tại các huyện, đạt yêu cầu về quảng bá sản phẩm, đạt doanh thu trên 35 tỷ đồng, thu hút hơn 300.000 lượt người tham quan mua sắm. Đặc biệt, Đồng Tháp được Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá là địa phương tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhiều nhất và hiệu quả nhất trong cả nước. Chính vì vậy, Đồng Tháp được chọn tổ chức phiên chợ thứ 100 đưa hàng Việt về nông thôn của chương trình BSA tại Trung tâm Văn hóa huyện Tháp Mười, đồng thời được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ra quyết định công nhận kỷ lục gia danh hiệu 100 phiên chợ sau 4 năm thực hiện cuộc vận động "NVNUTDHVN". 
 
Thực tế nhiều địa phương dù thực hiện được công tác tuyên truyền vận động nhưng lại chưa gắn với việc xây dựng mô hình. Theo ông, giải pháp nào để thời gian tới việc tuyên truyền, vận động gắn với việc xây dựng mô hình được hiệu quả hơn, tốt hơn?
 
- Ban Chỉ đạo cuộc vận động của tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai những nội dung trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả chiều rộng lẫn chiều sâu, gắn với các phong trào thi đua yêu nước khác được phát động tại địa phương, hướng mọi người đến nhận thức hàng Việt là lựa chọn số 1.Chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến mô hình "Câu lạc bộ dùng hàng Việt” và cửa hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, Ban Chỉ đạo cũng sẽ tập trung tác động vào các đối tượng là khách hàng tiềm năng. Song song với việc phối hợp tổ chức các phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn”, trong năm, ít nhất mỗi huyện tổ chức một phiên chợ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa hàng Việt về tiếp cận với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nhiều đối tượng nghèo, có thu nhập thấp. Chúng tôi cũng sẽ đổi mới công tác tuyên truyền bằng hình thức biên soạn tài liệu phát tờ rơi tuyên  truyền về cuộc vận động, cấp phát đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, kể cả đến các chi, tổ hội ở cơ sở và nhân dân. Vận động các doanh nghiệp treo khẩu hiệu tích cực hưởng ứng cuộc vận động tại trụ sở làm việc, nhà máy, phân xưởng, đồng thời phối hợp kiểm tra một số cửa hàng, siêu thị… để có cơ sở đánh giá số lượng hàng Việt chiếm lĩnh thị trường…
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 

Trần Thắng

Nguồn: Đại đoàn kết

 

Bình luận của bạn