Đưa hàng bình ổn giá đến người thu nhập thấp
Một cửa hàng Thanh niên bán các mặt hàng bình ổn thị trường ở phường Thạnh Lộc, quận 12.
Nhiều người lao động với mức thu nhập ít ỏi thường phải dè xẻn từng đồng, cân nhắc kỹ lưỡng khi mua sắm và luôn thấp thỏm “ngại” mỗi Tết. Giờ đây, nỗi lo ấy đã phần đã nào được giải tỏa. Bằng nhiều “kênh” phân phối, những người có thu nhập thấp đã dễ dàng tiếp cận với nhiều mặt hàng bình ổn giá, giúp họ yên tâm hơn khi mua sắm hàng hóa bảo đảm chất lượng tại thời điểm “gạo châu, củi quế"...
Những ngày qua, phiên chợ thanh niên công nhân tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân luôn thu hút rất đông công nhân đến tham quan, mua sắm. Hơn một trăm mặt hàng từ nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, đường, kẹo bánh… đến hàng tiêu dùng như dầu gội đầu, quần áo, mỹ phẩm và cả điện thoại “lên kệ”, người lao động có nhiều sự lựa chọn. Hầu hết các mặt hàng tại phiên chợ đều là hàng Việt Nam và có giá rất “mềm”, phần lớn có giá vài chục nghìn đồng, cao nhất cũng chỉ khoảng triệu đồng cho một sản phẩm.
Chị Hồ Thị Huệ, 35 tuổi, công nhân may, tay xách lỉnh kỉnh hàng hóa phấn khởi: “Tôi mưu sinh ở thành phố đã hơn mười năm, phải dè xẻn từng đồng, đâu dám mua sắm nhiều. Vài năm nay, nhờ có chương trình bán hàng bình ổn của thành phố, tôi và nhiều bạn bè cùng cảnh yên tâm hơn khi được mua hàng đúng giá mà vẫn bảo đảm chất lượng”.
Hiện nay, hàng bình ổn giá đã có mặt ở hầu hết các địa bàn dân cư, vào tận quầy hàng của từng khu nhà trọ. Một ngày cuối tháng 11 này, có mặt tại cửa hàng Thanh niên của anh Nguyễn Thành Tâm, phường Thạnh Lộc, quận 12, chúng tôi nhận thấy rất đông công nhân, người thuê trọ đến mua hàng. Đây là cửa hàng do Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) phối hợp với Thành đoàn triển khai. Anh Tâm cho biết: “Mặt bằng này trước đây là một điểm bán tạp hóa lặt vặt. Khi biết Thành đoàn ký kết với các đơn vị thương mại triển khai mạng lưới phân phối thực hiện chương trình bình ổn thị trường, nhất là đưa hàng hóa vào các khu dân cư, tôi đã tìm hiểu và đăng ký tham gia. Cửa hàng bình ổn khai trương đầu năm 2013, hiện có đủ các nguồn hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân như gạo, đường, muối, mì gói, dầu ăn, trứng… bán với giá rẻ hơn bên ngoài từ 3% đến 5%. Vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, sẽ bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu”.
Để thuận lợi hơn cho người dân mua sắm, từ nay đến Tết Nguyên đán, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia bán hàng bình ổn thị trường; phát triển điểm bán tại chợ truyền thống; phối hợp Saigon Co.op phát triển cửa hàng liên kết; phối hợp với các chợ đầu mối, chợ truyền thống triển khai mô hình thí điểm tổ ngành hàng kiểu mẫu. Cùng với đó, tăng cường nguồn hàng cung ứng vào chợ truyền thống gắn với đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát “đầu vào” để bảo đảm an toàn thực phẩm; tiểu thương kinh doanh niêm yết và bán đúng giá quy định. Hiện, Hội Phụ nữ thành phố đã phát triển 1.573 điểm bán, gồm: 98 cửa hàng liên kết giữa Hội Phụ nữ - SaigonCo.op, vận động tiểu thương bán hàng bình ổn thị trường tại 325 điểm bán trong 50 chợ truyền thống và 1.150 điểm bán trong khu dân cư.
Thành đoàn TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình đến các quận đoàn, huyện đoàn, tích cực phát triển và tham gia quản lý 24 điểm bán hàng bình ổn. Đến nay, Thành đoàn đang quản lý tám cửa hàng Co.op Food tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN); duy trì hoạt động sáu cửa hàng Thanh niên. Riêng Quận đoàn 7 đã triển khai mười cửa hàng “Rẻ và Chất lượng” trong các khu dân cư và gần các KCN, KCX. Thành đoàn đang tiếp tục triển khai thực hiện chương trình bán hàng thông qua phiếu đặt hàng trước; tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt, phiên chợ thanh niên, phiên chợ thanh niên công nhân... Các chương trình này góp phần đưa hàng hóa giá rẻ đến tay người tiêu dùng, góp phần kéo giảm căng thẳng về giá cả nhiều hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm.
Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường cũng đang tăng cường thực hiện các chuyến bán hàng lưu động tại các quận vùng ven, các huyện ngoại thành, các KCX, KCN, các khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ những người có thu nhập thấp... Theo kế hoạch, các doanh nghiệp sẽ tổ chức 339 chuyến bán hàng lưu động trong hai tháng trước Tết và sẽ tăng tần suất phục vụ các chuyến bán hàng lưu động vào các ngày cao điểm.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết thêm: Để phục vụ người nghèo tiếp cận với hàng bình ổn chất lượng, an toàn thực phẩm và giá thấp hơn thị trường từ 5 đến 10%, ngoài nỗ lực của gần 100 doanh nghiệp tham gia chương trình, thì sự liên kết giữa Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên với hai doanh nghiệp lớn là Saigon Co.op và Satra, hàng bình ổn chắc chắn sẽ lan tỏa nhanh đến tay người lao động, người nghèo ở các khu vực ngoại thành, vùng xa của thành phố.
Rõ ràng, với sự hình thành của những cửa hàng bình ổn giá bán nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, giá thành ổn định, đã giúp những người thu nhập thấp bớt nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Mô hình cửa hàng liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp thương mại lớn của thành phố với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên ngày càng phát triển đã góp phần tích cực vào việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tham gia hiệu quả vào chương trình bình ổn thị trường, phục vụ tốt yêu cầu của người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp, trên các địa bàn dân cư…