Đưa hàng Việt về ngoại thành Hà Nội
Sở Công thương cho biết, các chuyến bán hàng lưu động được tổ chức liên tục trong năm gắn với chương trình bình ổn giá và thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", theo hình thức bán hàng trên xe ô tô chuyên dụng hoặc các gian hàng nhỏ. Sở đã giao cho Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên thực hiện tổ chức 334 chuyến hàng lưu động tại 19 huyện, thị xã; 24 chuyến bán hàng chính sách xã hội có trợ cước vận chuyển cho đồng bào miền núi tại các xã Yên Bình, Tiến Xuân, Yên Trung (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (huyện Mỹ Đức). Đồng thời, giao cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN) đưa hàng về 15 KCN-KCX. Tại mỗi huyện, KCN-KCX, các đơn vị sẽ tổ chức 2 phiên chợ Việt ở những khu vực đông dân cư, liên xã trong khoảng 2-5 ngày, với các mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ gia dụng do DN trong nước sản xuất như quần áo, giày dép, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình…
Các DN tham gia đều cam kết giá bán lẻ thấp hơn tại thị trường địa phương tối thiểu khoảng 3%. Đồng thời, các đơn vị đưa hàng về nông thôn, KCN-KCX sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nhằm thu hút và khuyến khích người tiêu dùng (NTD) sử dụng hàng Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức đưa hơn 100 chuyến hàng Việt về nông thôn, KCN-KCX, triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, đồng thời bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các chuyến đưa hàng Việt với những sản phẩm chất lượng cao về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, thu hút được số lượng lớn người dân đến mua sắm. Chương trình không chỉ tạo điều kiện để các DN sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối tại thị trường nông thôn mà còn giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Nhằm thu hút sức mua của NTD, các DN đều chú trọng xây dựng chiến lược giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Nhiều DN đã tập trung đầu tư, đổi mới trang thiết bị, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý để đưa hàng hóa trực tiếp đến NTD. Bên cạnh đó, hầu hết hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu NTD nông thôn. Việc các DN tăng cường khuyến mãi cùng với việc người dân tin vào chất lượng hàng nội đã khiến sức mua tại các phiên chợ hàng Việt tăng cao. Nhưng quan trọng hơn cả, khi tham gia chương trình, DN có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người dân nông thôn, đồng thời nhận được những ý kiến thiết thực của NTD để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, góp phần nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều hội chợ mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán hàng thuần túy, mà chưa xây dựng được thương hiệu Việt đối với NTD; chưa thu hút được nhiều DN có thương hiệu mạnh tham gia. Vẫn còn tình trạng một số DN lợi dụng những chương trình khuyến mãi trong các chuyến đưa hàng về nông thôn để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng… làm ảnh hưởng đến lợi ích của NTD. Vì vậy, để các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn phát huy hiệu quả, bản thân mỗi DN phải nghiên cứu, sản xuất những mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh. Ngoài ra, hoạt động thông tin tuyên truyền cho các phiên chợ cần được đẩy mạnh và kéo dài hơn để mọi người dân trong vùng hiểu được tầm vóc, quy mô và ý nghĩa của những phiên chợ này. Từ đó, NTD sẽ đến với các phiên chợ nhiều hơn, tính hiệu quả của chương trình sẽ được phát huy cao hơn nữa.
Nguồn:
Thanh Hiền, Đưa hàng Việt về ngoại thành Hà Nội, Báo Hanoimoi Online, http://hanoimoi.com.vn