Đưa hàng Việt về nông thôn – Kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng

Tại Khánh Hòa, liên tục trong 3 năm (2009- 2011), Sở Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai gần chục phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhân dân 8 thành phố, huyện và thị xã trong tỉnh.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng có lợi

Nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đều xây dựng chiến lược giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên địa bàn; đồng thời còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng khác nhau. Bên cạnh đó, hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn. Nhờ thực hiện cùng lúc nhiều chính sách kích cầu nên mỗi phiên chợ đã thu hút trên 7.000 người tham gia mua sắm, doanh thu hơn 300 triệu đồng.

Tại một phiên chợ hàng Việt về nông thôn, chị Tôn Nữ Tiếu Diện ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) tâm sự: “Hàng hóa bán tại đây không chỉ có chất lượng cao mà giá còn rẻ hơn thị trường bên ngoài như: nước mắm 584 Nha Trang 25 độ đạm, dung tích 500ml giá chỉ 13.000 đồng/chai, thấp hơn bên ngoài khoảng 10%; áo sơ mi nam ngắn tay của Khatoco giá 85.000 đồng/chiếc, thấp hơn khoảng 25% so với giá niêm yết trong siêu thị,... Quan trọng nhất là mình có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Việc các doanh nghiệp tăng cường khuyến mãi cộng với việc người dân tin tưởng vào chất lượng hàng nội đã khiến sức mua tại các phiên chợ hàng Việt tăng cao. Anh Nguyễn Vũ Ngọc Thiện, Quản lý Siêu thị Citimart Nha Trang, hào hứng kể: “Để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa khá lớn, gồm hàng nghìn mặt hàng thuộc 10 nhóm hàng Việt Nam chất lượng cao như thực phẩm, hàng may mặc, dụng cụ nhà bếp, hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, đồ dùng gia đình,…Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 ngày lượng hàng chuẩn bị đã được mua hết. Đơn vị phải điều thêm xe, cung ứng thêm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con.Bên cạnh việc thu hút người dân nông thôn dùng hàng Việt Nam, thông qua chương trình này siêu thị cũng nghiên cứu, tìm hiểu hàng hóa của địa phương để đưa những sản phẩm phù hợp vào hệ thống kinh doanh của mình, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm.

Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại các phiên chợ không phải là lý do chính khiến các doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn”. Khi tham gia chương trình, mỗi doanh nghiệp đều nhận được không ít những ý kiến chân tình và thiết thực của người tiêu dùng, cũng như thu thập thêm được nhiều thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Anh Trọng Thanh- Trưởng phòng kinh doanh của Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, chia sẻ: Ngoài ý kiến của bà con, sau mỗi phiên chợ, Ban tổ chức cũng thường góp ý về những cái được, cái chưa được và doanh nghiệp cũng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm.

Ông Phạm Trọng Thái- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Thành công của chương trình là đã nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về thị trường nông thôn nhiều tiềm năng, lại không khó tính như thị trường xuất khẩu. Qua các phiên chợ, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt, đặc biệt dân nông thôn, để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường nông thôn. Còn người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với giá cả phù hợp, từ đó tạo tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt trong cộng đồng.”

alt

Cần tăng cường công tác tuyên truyền

Trước mỗi phiên chợ “đưa hàng Việt về nông thôn” (3 ngày), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Khánh Hòa thường phối hợp với chính quyền địa phương treo cờ, phướn, băng rôn cổ động tại các trục đường chính, các khu dân cư tập trung, và tại địa điểm diễn ra phiên chợ. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng phối hợp với các Đài truyền thanh địa phương phát tin tuyên truyền về hàng Việt trước và trong suốt thời gian diễn ra phiên chợ; Đồng thời, các xe tuyên truyền cổ động của phòng văn hóa thông tin địa phương liên tục thông báo trên khắp các trục đường nội hạt.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp tham gia chương trình, thì hoạt động thông tin tuyên truyền cho phiên chợ vẫn cần phải được đẩy mạnh và kéo dài hơn nữa để mọi người dân trong vùng đều biết đến tầm vóc, quy mô và ý nghĩa của các phiên chợ này. Từ đó, người tiêu dùng sẽ đến với các phiên chợ nhiều hơn, tính hiệu quả của chương trình sẽ được phát huy cao hơn nữa.

Vì vậy, trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2012, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa sẽ chú trọng nhiều hơn cho công tác tuyên truyền các phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” với mục đích: để người dânnhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá đúng hơn chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Từ đó từng bước thay đổi tâm lý “chuộng hàng ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng và tạo lập được thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt trong cộng đồng. Ngoài vận động người dân, công tác tuyên truyền cũng sẽ nhắm vào khối doanh nghiệp. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn mang ý nghĩa sống còn đến sự tồn tại của mỗi doanh nghiệp trong quá trình phát triển và chiếm lĩnh thị phần nội địa.

VnCharm

Nguồn tham khảo

http://www.tinmoi.vn/dua-hang-viet-ve-nong-thon-ket-noi-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-06791602.html

Bình luận của bạn