Đưa hàng Việt về nông thôn: Vẫn còn gian nan
Cách trung tâm Hà Nội chỉ vài chục cây số, nhưng tại xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) vẫn vắng bóng hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) "nội".
Khảo sát cho thấy, 90% hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại chợ là hàng ngoại nhập, mà chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là tình trạng chung của nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, chưa kể đến vùng sâu, vùng xa.
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được người tiêu dùng hưởng ứng.
Hà Nội không thiếu DN được xem là tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, nhưng không phải DN nào cũng có tâm huyết với việc đưa hàng về nông thôn, vì đưa hàng về nông thôn là… lỗ. Đó là chưa kể đến hàng loạt những phức tạp, gánh nặng chi phí… mà không phải DN nào cũng muốn đến với thị trường truyền thống này. Trong đợt kiểm tra kết quả thực hiện cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Ban Chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội mới đây tại xã Thạch Đà, có tới 90% hàng hóa tại chợ là hàng nhập ngoại giá rẻ. Lợi dụng được sự thấp hơn về giá, hàng giả, hàng kém chất lượng đã chiếm được ưu thế. Thực tế, người dân những vùng nông thôn vốn còn nhiều khó khăn, việc giá một sản phẩm cùng loại rẻ hơn 500 - 1.000 đồng cũng đủ để hấp dẫn người tiêu dùng (NTD). Bởi thế, đường về của hàng nội với NTD nông thôn còn rất gian nan.
Thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã nỗ lực trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài những chuyến bán hàng lưu động, các DN còn tổ chức những phiên chợ Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với thời gian 2-5 ngày/phiên. Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu mãi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý nên hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng và chọn lựa. Tuy nhiên, số lượng DN tham gia ngày càng ít do khi đưa hàng về nông thôn, nhiều DN chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương trong việc tìm, xây dựng điểm bán hàng. Đặc biệt, hệ thống phân phối chưa hoàn thiện, khiến các phiên chợ hàng Việt vẫn chỉ đơn thuần là hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức của DN Việt với thị trường nông thôn, kêu gọi người dân sử dụng hàng Việt chứ chưa thể trở thành kênh phân phối chủ lực cho hàng Việt về nông thôn.
Theo nhận định của nhiều DN, mặc dù thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng với 70% dân số sinh sống, nhưng thị trường phân tán, sức mua thấp, xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao… Việc triển khai CVĐ của các cấp tại địa phương chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho DN trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, trong khi sức người và nguồn vốn đều có hạn, nên hiện nay thị trường này chưa thực sự thu hút các DN "nội" đưa hàng về. Để trụ lại và đồng hành cùng người dân nông thôn, ngoài sự nỗ lực của DN, rất cần một chiến lược và sự hỗ trợ lâu dài từ phía ngành chức năng. Rõ ràng, sau mục tiêu tuyên truyền, thay đổi nhận thức NTD đối với hàng Việt, để có thể phát huy hiệu quả lâu dài của hàng Việt ở nông thôn, điều quan trọng vẫn là xây dựng một kênh phân phối hàng Việt ổn định ở những địa bàn này. Tuy nhiên, các DN cần chủ động quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, để NTD thấy được tính năng ưu việt của sản phẩm, đồng thời tập trung phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ để người dân có thể mua sản phẩm với giá hợp lý, qua đó tạo thói quen dùng hàng Việt.
Được biết, Sở Công thương đã trình UBND TP Hà Nội quy hoạch lại mạng lưới bán buôn bán lẻ, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Về lâu dài, việc phát triển thị trường nông thôn sẽ được tổ chức tốt hơn, bài bản hơn từ việc tổ chức nguồn hàng cung ứng, hệ thống phân phối trên địa bàn… Trong lúc hệ thống kênh phân phối chưa được hoàn thiện, trước mắt Sở sẽ chỉ đạo tăng thêm nhiều chuyến hàng lưu động, giúp bà con nông dân mua sắm thuận lợi hơn.
Nguồn: Báo Hà Nội mới