Giải “cơn khát” hàng Việt

Đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa tiến hành kiểm tra Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại Tuyên Quang và Hà Giang. Mô hình này được xây dựng nhằm giúp người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi có địa chỉ mua sắm hàng Việt tiện lợi, tin cậy.

Tại một điểm bán hàng Việt cố định ở Hà Giang

Sức tiêu thụ tăng nhanh

Sau 6 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn Tuyên Quang, nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tại khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, muốn mua được hàng chất lượng tốt, giá thành hợp lý, bà con phải chờ đến chợ phiên (tổ chức 1 tuần/lần) hoặc các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn (khoảng 4 lần/năm, mỗi lần kéo dài từ 5 – 7 ngày).

Ông Lộc Lim Liễn – Phó giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang - cho biết: Nhằm giúp người tiêu dùng nông thôn, miền núi được sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Tuyên Quang đã chọn được 2 cơ sở xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định là Cửa hàng thương mại Sơn Dương (Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang) và Cửa hàng thương mại thôn Cây Chanh 2 – xã Đức Ninh – huyện Hàm Yên. Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, lượng người tiêu dùng đến các cửa hàng ngày một đông. Tỷ lệ hàng Việt đã tăng nhanh từ chỗ chỉ khoảng gần 60% trước khi có điểm bán hàng Việt lên đến trên 70%.

Chọn mua khá nhiều sản phẩm hàng Việt Nam tại Cửa hàng thương mại Sơn Dương, chị Trần Thị Nguyệt - người dân thị trấn Sơn Dương chia sẻ: Trước đây, tôi thường phải mua hàng ở chợ cóc. Hàng được bày bán nhiều nhưng nguồn gốc, xuất xứ không đảm bảo. Giờ có Điểm bán hàng Việt Nam cố định, người dân ở đây ai cũng mừng.

Tại Hà Giang, Điểm bán hàng Việt Nam cố định đặt tại Cửa hàng bán buôn bán lẻ Hồng Hải – Phường Trần Phú – TP. Hà Giang. Nơi đây được xây dựng thành điểm bán hàng đặc sản địa phương. Theo bà Vũ Thị Tuyết Hồng - Chủ cửa hàng, trước đây, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 35 kg chè, 15kg dược liệu... Sau khi được hỗ trợ xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt cố định, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô các loại và  20 kg dược liệu, cá biệt có ngày tiêu thụ gần 30 kg dược liệu…

Mô hình cần nhân rộng

Chia sẻ về hiệu quả của những Điểm bán hàng Việt Nam cố định, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng, do nằm sâu trong khu dân cư, Điểm bán hàng Việt Nam tại Tuyên Quang và Hà Giang đã phục vụ tốt cho bà con vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Hàng hóa đã đáp ứng tiêu chí là hàng Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đây cũng là điểm trung chuyển hàng hóa đặc sản địa phương, giúp bà con vừa dễ tìm mua, vừa dễ tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền lưu ý: “Điểm quan trọng nhất là phải làm sao đảm bảo duy trì chất lượng, nguồn gốc hàng hóa tại các điểm bán. Dù là đặc sản địa phương, sản xuất thủ công, sản phẩm cũng phải có bao bì, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ rõ ràng. Đặc biệt, Đề án Phát triển thị trường trong nước quyết định hỗ trợ mỗi điểm bán 80 triệu đồng nhưng đây chỉ là vốn mồi. Các địa phương phải làm sao tuyên truyền về lợi ích, từ đó huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp để mở nhiều hơn những điểm bán, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.

Bình luận của bạn