Gỡ nút thắt cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn
Bộ Công Thương vừa phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2015. Đây được xem là hội nghị “gỡ nút thắt” bởi đã có hơn 120 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở trong khu vực đã trực tiếp trao đổi thông tin với nhà quản lý, nhà phân phối, qua đó tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Thị phần hạn chế
Những năm qua, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa nhằm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công Thương chú trọng. Các hoạt động lồng ghép với công tác xúc tiến thương mại, ký kết thỏa thuận với các tập đoàn, tổng công ty trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất tại địa phương; chương trình bình ổn thị trường; hoạt động khuyến công, cải tiến ứng dụng khoa học kỹ thuật…được đẩy mạnh. Tuy vậy, việc liên kết vùng vẫn còn những hạn chế, chưa tổ chức thường xuyên và hiệu quả các diễn đàn đầu tư, sản phẩm công nghiệp nông thôn ở khu vực khá phong phú nhưng tiêu thụ yếu, vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm trong hệ thống phân phối hiện đại chưa nhiều.
Ông Võ Văn Trung - Cục phó Cục Công nghiệp địa phương chia sẻ: Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng sản phẩm công nghiệp địa phương, đặc biệt các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị trong các làng nghề còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên việc tiếp cận vào hệ thống phân phối trung tâm thương mại còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có những tiêu chuẩn mà các hệ thống phân phối theo chuỗi yêu cầu chặt chẽ như về chất lượng, số lượng, sở hữu trí tuệ…
Bà Nguyễn Bích Ly - Giám đốc hệ thống siêu thị Coop.Mart khu vực miền Trung cho biết: Tổng tỷ trọng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Coop.Mart là trên 90%, tuy nhiên hàng hóa của các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên chỉ chiếm 20-30% trong hệ thống. Khiêm tốn hơn, tại Công ty CP Espace Business Huế (siêu thị Big C Huế) các mặt hàng công nghiệp địa phương chỉ chiếm từ 1 - 2% trong kệ hàng hệ thống, bà Võ Thị Thu Thủy - Giám đốc siêu thị Big C Huế cho biết.
Liên kết để tháo gỡ vướng mắc
Tại hội nghị, các nhà quản lý, đại diện trung tâm thương mại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã thẳn thắng trao đổi, đưa ra những tiêu chuẩn cũng như những thủ tục cần thiết để đưa dòng sản phẩm này vào các trung tâm tiêu thụ hiện đại.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Hội nghị lần này đã giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở trong khu vực có cơ hội trực tiếp trao đổi thông tin với nhà quản lý, nhà phân phối qua đó tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Sau nhiều ý kiến tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng thấy được, thứ nhất việc xây dựng thương hiệu, đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý như các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đảm bảo số lượng… của các cơ sở công nghiệp nông thôn để họ đáp ứng được yêu cầu của các nhà phân phối còn nhiều khó khăn. Qua đó, các bộ, ngành cần tiếp thu, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Thứ hai, trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ chú trọng nhiều vào chính sách tạo các đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh để đưa được các sản phẩm công nghiệp nông thôn vào các nhà phân phối lớn.
"Bên cạnh đó các nhà phân phối cũng nên kết hợp với các doanh nghiệp để hướng dẫn các thủ tục cần thiết, tìm hiểu những nguồn cung và chọn lựa được các mặt hàng đưa vào hệ thống phân phối."- Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh thêm.
Theo đánh giá của các hệ thống phân phối, để đưa hàng vào kênh này không khó nhưng phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục cần thiết như xuất xứ hàng hóa, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, số lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lâu dài, nhãn hiệu đẹp… Tuy nhiên, hiện nay đa số các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo các điều kiện trên nên khó đưa hàng vào hệ thống phân phối.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Cơ sở sản xuất bánh tráng nước dừa cao cấp tại Bình Định cho biết, hiện nay sản phẩm bánh tráng nước dừa cao cấp của cơ sở ông đã có mặt khắp cả nước, tuy nhiên vẫn chưa vào được hệ thống Big C, Coop.Mart là do chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về thủ tục của hệ thống phân phối. Ý thức được điều này, ông mong muốn ngoài việc DN chủ động cải tiến chất lượng, mẫu mã, số lượng… thì các cơ quan chức năng liên quan cần đồng hành cùng với DN để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục.
Bà Võ Thị Thu Thủy - Giám đốc siêu thị Big C Huế khẳng định: Nếu đơn vị, cơ sở sản xuất nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì Big C Huế sẽ nhận hàng ngay vào hệ thống, không tốn lệ phí. Đồng thời nếu các mặt hàng nào tiềm năng thì phía công ty sẽ hướng dẫn, tư vấn cho các đơn vị sản xuất làm các thủ tục cần thiết.
Chia sẻ khó khăn với các DN, bà Nguyễn Bích Ly - Giám đốc hệ thống siêu thị Coop.Mart khu vực miền Trung cho biết: Bên cạnh những hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Chúng tôi đã xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu, hỗ trợ thêm cho các cơ sở tạo các thị trường. Hiện nay nhiều cơ sở đã có đại lý từ Bắc đến Nam. Hàng năm chúng tôi tổ chức 15 đến 20 hội chợ cho hàng trăm cơ sở tham gia các hội chợ trong nước, tổ chức các hội nghị đưa hàng hóa vào siêu thị Coop.Mart, chúng tôi luôn dành những không gian trưng bày dễ nhìn, đẹp để thu hút người tiêu dùng.
Tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2015, đã có gần 40 hợp đồng cung cầu được ký kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, từng bước hình thành chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối.