Góp phần hình thành thói quen dùng hàng Việt
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" diễn ra đúng vào thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu tác động mạnh nhất tới nền kinh tế trong nước, trong tỉnh. Song đến nay, cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa rộng lớn; thói quen dùng hàng Việt đã bắt đầu đi sâu vào tiềm thức của người dân. Không chỉ tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong những năm qua cũng đã chủ động ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm tài sản, phương tiện làm việc.
Văn phòng Tỉnh ủy - cơ quan tham mưu, tổng hợp phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ trên các lĩnh vực cũng là đại diện chủ sở hữu tài sản của Đảng bộ, trực tiếp quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu ngân sách Đảng. Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Văn phòng Tỉnh ủy vừa làm nhiệm vụ phối hợp tham mưu lại vừa là đơn vị triển khai thực hiện. Theo ông Nguyễn Duy Đông, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, tham gia cuộc vận động, mỗi cán bộ, nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy đã có nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, mục đích và nội dung của cuộc vận động, tự tạo thói quen mua sắm hàng Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng khi phê duyệt kế hoạch mua sắm, chi tiêu công đã ưu tiên sử dụng hàng nội, nhất là khi sửa chữa, mua sắm các loại trang thiết bị, văn phòng phẩm; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch mua sắm tài sản, chi tiêu công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Gần 100% các loại văn phòng phẩm các đơn vị thụ hưởng ngân sách Tỉnh uỷ đã lựa chọn là hàng Việt Nam; trên 50% tài sản cố định được mua sắm là hàng nội địa. Bên cạnh đó, Văn phòng Tỉnh uỷ đã phối hợp với cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, định kỳ tổ chức hội nghị đánh giá triển khai cuộc vận động, tham mưu để Tỉnh uỷ ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hoá của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như ô tô, bảo dưỡng xe ô tô, sử dụng dịch vụ bưu chính...
Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã chủ động phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động. Trong 4 năm qua, đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn, đồng thời, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt khu dân cư nội dung tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, giá bán các mặt hàng, sản phẩm do các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhất là những sản phẩm hàng hóa liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: lương thực, thực phẩm, hàng dệt may, đồ điện dân dụng... Các tổ chức thành viên Mặt trận tích cực vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên mua sắm hàng hóa nội địa, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt; phản ánh cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh, dịch vụ những vấn đề cần khắc phục trong sản xuất, quản lý, phân phối và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, đồng thời động viên các doanh nghiệp, doanh nhân tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất, lưu thông, nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ một cách hợp lý, quan tâm tới lợi ích của người tiêu dùng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tăng cường xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh,hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong công tác đào tạo nghề, hỗ trợ công nghệ mới, Sở Công thương còn chỉ đạo Trung tâm thông tin - Xúc tiến thương mại phối hợp với các doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương, các công ty tổ chức hội chợ tổ chức các chương trình, điểm bán hàng Việt lưu động về nông thôn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu chủ yếu gồm: sữa, thuốc tân dược, hóa mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, văn phòng phẩm, hàng điện tử, dệt may, nước giải khát, máy công cụ, điện tử, vật liệu xây dựng, da giày, hàng dệt may, sinh vật cảnh và nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thông tin - Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Công ty Co.opmart Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Trang Đạt tổ chức 6 điểm bán hàng Việt lưu động tại các xã: Kim Long, Đồng Tĩnh huyện Tam Dương; Tiên Lữ, Hợp Lý huyện Lập Thạch; thị trấn Gia Khánh, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên; 2 điểm bán hàng bình ổn giá tại Thị trấn Thanh Lãng, xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên. Tại mỗi điểm bán hàng trên, có hàng nghìn lượt người tham quan, mua sắm với doanh thu trên 35 triệu đồng/điểm. Trung tâm đã phối hợp với các công ty tổ chức sự kiện tổ chức 7 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên, quy mô mỗi chương trình có từ 60-80 gian hàng, có từ 6-7000 lượt khách tham quan mua sắm hàng hoá, doanh thu từ 1,5-2 tỷ đồng/chương trình.
Chia sẻ với phóng viên về công tác chỉ đạo, biện pháp và kế hoạch thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của ngành, bà Phùng Thị Tộ, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: "Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tài chính cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm bình ổn giá, phân khai kinh phí; hướng dẫn các ngành, huyện, thành, thị triển khai thực hiện kinh phí của cuộc vận động; phối hợp với Sở Công thương cấp kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn giá một số mặt hàng. Đối với các khoản kinh phí mua sắm tài sản, thiết bị của đơn vị dự toán các cấp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đều được Sở hướng dẫn ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước". Cũng theo bà Tộ, Ban Giám đốc, Công đoàn Sở đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Ban Nữ công và Đoàn Thanh niên phổ biến đến toàn thể hội viên, đoàn viên về việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó, các hội viên đã có chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam đối với các sản phẩm của công ty may Việt Tiến, may 10, may Nhà Bè, sản phẩm sữa của công ty sữa Vinamilk, sữa Mộc Châu, bàn ghế của công ty Xuân Hòa...
Đồng hành cùng với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhằm đưa cuộc vận động đạt hiệu quả cao, các cơ quan báo chí, tuyên truyền như Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh Truyền hình, Cổng Thông tin - Giao tiếp Điện tử tỉnh đều xây dựng chuyên mục "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; dành thời lượng, dung lượng lớn, tuyên truyền đậm nét về cuộc vận động. Trong đó, kịp thời cập nhật tin bài phản ánh các mô hình, điển hình thực hiện tốt cuộc vận động; phê phán những hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân; giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu Việt.
Tất cả những hoạt động cụ thể, ý nghĩa này đã góp phần nâng cao vị thế, chất lượng, sản phẩm hàng Việt Nam, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin dùng và sử dụng sản phẩm Việt. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục khẳng định lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
(Nguồn: VinhPhuc.gov.vn)