Hải Phòng và bài toán “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Nhằm góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng nội địa của người Việt trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố Hải Phòng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bằng nhiều hình thức phong phú, các cơ quan chức năng địa phương đã tích cực hưởng ứng, nhanh chóng triển khai cuộc vận động và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện Thông báo 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 201-QĐ/TU ngày 31/5/2011 về việc kiện toàn bổ sung Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hải Phòng. Ngày 10/6/2011, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-MT-BCĐ về việc triển khai các hoạt động của Ban chỉ đạo thành phố “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2011… Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Hải Phòng đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể nhằm đưa cuộc vận động thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng trong toàn thành phố. Đồng thời, các cấp, các ngành có liên quan đã tích cực vào cuộc triển khai cuộc vận động và bước đầu đã có những kết quả khả quan.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã nâng cao công tác truyền thông, tuyên truyền. Để người tiêu dùng nắm bắt nhanh chóng thông tin, có nhiều sự chọn lựa tin tưởng và ưu tiên dùng các sản phẩm trong tỉnh nói riêng và hàng Việt Nam nói chung, các cơ quan truyền thông địa phương đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên tuyên truyền về nội dung và các hoạt động gắn với Cuộc vận động, từ đó từng bước tạo điều kiện cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động cũng thường xuyên phổ biến, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về chất lượng và giá cả của các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để người tiêu dùng có cơ hội đánh giá về chất lượng, giá cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam so với các sản phẩm nước ngoài từ đó tạo cho người tiêu dùng Hải Phòng có thói quen và ưu tiên dùng hàng Việt Nam thông qua các bài viết của lãnh đạo, cán bộ công chức Sở Công Thương trên tạp chí Công Thương. Sở Công Thương Hải Phòng cũng đã phối hợp với Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức chuỗi các hội thảo với nội dung nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp tham gia.

Trong ba năm qua, Sở Công Thương đã tiếp nhận và theo dõi  tổng số 46 hội chợ, số lượng doanh nghiệp tham gia mỗi hội chợ từ 70-90 doanh nghiệp, quy mô 80-120 gian hàng / hội chợ, tổng số khách thăm quan mua sắm tại 1 hội chợ bình quân 30.000 người, doanh thu khoảng 20-30 tỷ đồng/ hội chợ… Các hội chợ này chủ yếu được tổ chức vào các dịp tết, các chương trình khuyến mại trong năm, chương trình đưa hàng việt về nông thôn thông qua các hội chợ tại các địa bàn trung tâm cũng như các huyện AnLão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Dương …

Sở Công Thương Hải Phòng đã tổ chức các chương trình đưa hàng về nông thôn, khu đô thị  thông qua các tuần hàng Việt Nam, nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo doanh nghiệp và sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt; từ đó có đủ thông tin so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, đồng thời tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Nhằm đảm bảo kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chống buôn lậu, vận chuyển và bán hàng cấm, hàng nhập khẩu, công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại trên thị trường với kết quả rất đáng ghi nhận. Năm 2011 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra tổng số 3.319 vụ nộp ngân sách nhà n­ước 5.711.885.000 đồng.

Có thể thấy rằng sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong chiến dịch hưởng ứng Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong nước, cho hoạt độngvà phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng Việt; sản phẩm, hàng hoá được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ quyết liệt hơn trong việc triển khai cuộc vận động để khắc  phục những điểm còn hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua như:  các doanh nghiệp chưa thật chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường và hỗ trợ xây dựng sản phẩm thương mại phát triển trên thị trường nội địa, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm xúc tiến thương mại. Thực tế, không ít doanh nghiệp không quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn thành phố chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất phân phối và tiêu dùng, thậm chí mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy...

VnCharm

Bình luận của bạn