Hàng Việt đã chiếm được niềm tin người tiêu dùng
00h00 ngày 28/07/2012
Theo điều tra của Tập đoàn Grey Group (Mỹ) năm 2008, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng hóa nước ngoài, chỉ 23% tin dùng các sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Việt kiều cũng ưa chuộng sản phẩm trong nước
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2012 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết: Xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90% (hệ thống siêu thị của Saigon Co.op có tới gần 95% là hàng sản xuất trong nước).
Về phía doanh nghiệp, từ những thuận lợi do chủ trương của Cuộc vận động mang lại, các doanh nghiệp nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của Chương trình, từ đó chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sau bán hàng.
Về phía người tiêu dùng, do hoạt động thông tin, tuyên truyền về chủ chương của Cuộc vận động; các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa như bán hàng khuyến mãi, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa, các hội chợ triển lãm diễn ra liên tục, tần suất cao nên người tiêu dùng trong nước từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước; từ đó đã thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt. Không chỉ người tiêu dùng trong nước, mà ngay cả Việt kiều khi về nước cũng ưa chuộng sản phẩm dệt may, da giày, thực phẩm rau quả hay đồ gia dụng được sản xuất trong nước.
Hàng Việt vào chợ truyền thống: cần một chính sách hiện diện lâu dài
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, chương trình cũng còn tồn tại một số bất cập như hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ, triển lãm chỉ mới dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa gây dựng được uy tín của thương hiệu Việt. Nguồn cung ứng hàng hoá có chất lượng còn hạn chế, mối quan hệ sản xuất chăn nuôi với chế biến còn lỏng lẻo, việc xã hội hoá thu hút đầu tư thương mại còn khó khăn... Việc triển khai chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống tuy thành công bước đầu nhưng không gắn kết được lâu dài bởi chỉ về một lần rồi lại đi, do vậy, cần thiết lập một chính sách hiện diện lâu dài của hàng Việt tại các chợ truyền thống.
Cũng tại hội nghị, Bộ Công thương đã triển khai Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến" tại cổng thông tin www.tuhaohangvietnam.vn nhằm khai thác lợi thế của thương mại điện tử, Internet đối với công tác tuyên truyền, quảng bá và mở rộng hệ thống phân phối cho doanh nghiệp. Đồng thời, cổng thông tin cũng là nơi chia sẻ thông tin về sản phẩm Việt Nam, giúp người tiêu dùng hiểu về sản phẩm Việt Nam và ngày càng yêu thích sử dụng hàng Việt Nam.
VnCharm
Theo Báo Văn Hóa
Bình luận của bạn