Hàng Việt đã có vị trí thật sự trong lòng người Việt
Sau 4 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có sự thay đổi rõ rệt. Người tiêu dùng giờ đây đã yêu mến và lựa chọn hàng Việt trong sinh hoạt hàng ngày. Các doanh nghiệp Việt đã không ngừng nâng cao chất lượng cũng như đa dạng mẫu mã để đáp ứng thị trường nội địa rộng lớn.
Thành công lớn nhất sau một thời gian triển khai Cuộc vận động chính là làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt. Giờ đây, hàng Việt thật sự đã có chỗ đứng trong lòng người Việt. Đặc biệt, trong lúc tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có những khó khăn, chúng ta lại thấy rõ hơn sự đồng thuận của cả cộng đồng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước dường như đang hỗ trợ nhau, cùng nhau chia sẻ để vượt qua thách thức này.
Các mặt hàng nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap luôn được người tiêu dùng Thành phố lựa chọn
TP. Hồ Chí Minh là địa phương triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự sáng tạo và hiệu quả. Bằng nhiều cách thức, với nhiều đột phá, hàng Việt nhanh chóng có mặt ở mọi gia đình. Thời gian đầu, Thành phố triển khai đưa hàng Việt vào hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, thì nay, hàng Việt đã nhanh chóng đi vào các chợ truyền thống, về với vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, các khu chế xuất, khu công nghiệp, các khu dân cư. Có lẽ thói quen mua sắm đã thật sự thay đổi với người dân Thành phố. Giờ đây, ai ai cũng quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ và rồi lựa chọn hàng Việt với một sự hài lòng, an tâm, bởi các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, giá cả cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 7/2013, tại hầu hết các hệ thống siêu thị như: Co.opMart, Satrafood, Vissan, BigC, Vinatexmart,.. lượng hàng Việt đều chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên. Tại các hệ thống khác, lượng hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 70% - 80% trong tổng lượng hàng hoá đang kinh doanh. Trong số đó, có nhiều nhóm mặt hàng, hàng Việt đang ở vị thế độc tôn, không có đối thủ như: Hàng nông sản, hàng thủy hải sản…
Tính riêng tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, nếu năm 2006, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống Co.opMart là 60%, thì nay, con số này đã tăng lên trên 90%. Đến nay, Saigon Co.op đã ký kết với hơn 40 nhà cung cấp chiến lược, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố và các tỉnh để hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp sản xuất hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap cung cấp cho người tiêu dùng. Thời gian gần đây, Saigon Co.op còn đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Mỗi năm trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động, cơ cấu 100% hàng sản xuất trong nước, với mức giảm giá hấp dẫn từ 5% - 40%, cùng nhiều quà tặng kèm theo đã đến với người dân vùng sâu, vùng xa.
Theo số liệu từ Sở Công Thương Thành phố, tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh có 243 chợ truyền thống (trong đó có 3 chợ đầu mối), 30 trung tâm thương mại kinh doanh đa ngành hiện đại, 185 siêu thị và hơn 500 cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Thành phố. Hiện nay, tại các chợ đầu mối, các chợ truyền thống, hàng Việt cũng đã chiếm lĩnh ở hầu hết các mặt hàng thiết yếu. Theo thống kê của bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh khai thác chợ đầu mối Thủ Đức, nếu những năm trước, trái cây nhập khẩu chiếm hơn 30% tổng lượng hàng, thì nay, 90% lượng trái cây cung ứng là từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế chung của cả nước cũng như thế giới.
Để cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, hàng Việt cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện trong việc mở rộng hệ thống phân phối; các doanh nghiệp trong nước cần có một cơ chế ưu tiên về vốn, về nguyên vật liệu, các hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại…để doanh nghiệp có hướng phát triển bền vững.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ