Hàng Việt đang chiếm lĩnh thị trường
Chất lượng của hàng Việt đang ngày càng được nâng cao và nhận được sự đón nhận và tin dùng của người dân.
Tạo niềm tin
Theo Bộ Công Thương, qua 4 năm triển khai và thực hiện, cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã mang lại nhiều ý tích cực. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều. Đặc biệt, người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ lớn. Việc lưu thông cũng đã được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa đã được triển khai sâu rộng.
Chỉ riêng tại thị trường TP HCM, sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng được thể hiện rõ nét từ khi chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam ra đời. Cụ thể là nếu như năm 2009, chỉ có 32% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt Nam thì đến nay con số này đã tăng lên hơn 60% và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Sức bật” của hàng Việt được thể hiện rõ nhất tại các kênh phân phối hiện đại khi hàng nội luôn chiếm tỷ trọng cao. Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C hàng Việt luôn chiếm 80-90%, thậm chí Vinatexmart có tỷ lệ hàng Việt chiếm đến 100%. Nếu như so với 71% tỷ lệ người Việt trong cả nước dùng hàng Việt thì ở TP HCM có hơn 60% người dân có ý thức ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Bên cạnh sự vượt trội về tỷ lệ hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại, hàng Việt còn lan tỏa tới các kênh phân phối như truyền thống đến các nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất - khu công nghiệp.
Có thể nói, đến thời điểm này, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại.
Khẳng định vị thế
Một điều dễ nhận thấy là để có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng thì các doanh nghiệp trong nước đã phải nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cũng như quảng bá sàn phẩm. Tại TP HCM, chỉ cần nhìn vào mức độ “phủ sóng” hàng Việt tới 243 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 162 siêu thị, 24 trung tâm thương mại và 500 cửa hàng tiện ích... cũng đủ để thấy sự nỗ lực của doanh nghiệp lớn như thế nào.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sức hút của hàng Việt trong vấn đề giá cả. Điển hình như mùa Tết năm nay dù chi phí, vật giá gia tăng, nhưng để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, đa số các doanh nghiệp cho biết vẫn giữ nguyên giá bán. Ví dụ như Công ty Vissan cam kết giữ giá ổn định từ nay đến trước trong và sau Tết; Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Miền Nam không tăng giá sản phẩm so với Tết năm ngoái để kích cầu, giữ vững thị phần, doanh nghiệp Ba Huân cũng cam kết giữ giá cung ứng trứng sạch cho thị trường Tết… Một số doanh nghiệp đăng ký tăng giá bán, nhưng cũng điều chỉnh tăng giá nhẹ từ 1-2%.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, hàng Việt đang từng bước tỏ rõ sức mạnh của mình ở cả khâu phân phối lẫn giá cả và chất lượng. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì những tiêu chí trên đã được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng, nhờ đó mà hàng Việt tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Đánh giá về kết quả chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thời gian qua, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM nhận định: Đây là chương trình thiết thực, thu hút được đông đảo sự ủng hộ của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh trên thị trường hàng hóa. Nhờ đó mà người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm có chất lượng tốt giá cả hợp lý còn doanh nghiệp thì tiêu thụ được hàng hóa. Ý nghĩa hơn là hàng Việt đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong đời sống mỗi gia đình Việt.
Nguồn: Báo Petrotimes