Hàng Việt đang dần chiếm lĩnh thị trường
Có thể nói, từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước đầu đã mang lại kết quả đáng mừng, ý thức người dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng đã có chuyển biến tích cực.
Dạo một vòng quanh các cửa hàng, chợ, siêu thị trong Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, dễ thấy hàng Việt lấn át hàng ngoại, chiếm khoảng 70 đến 80%. Nơi bán hàng Việt nhiều nhất phải kể đến Siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Thực hiện Cuộc vận động, siêu thị không những liên kết với các nhà sản xuất trong nước để có nguồn hàng dồi dào, phong phú chủng loại đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá nên thu hút lượng khách hàng đông. Chị Nguyễn Thị Mến (khu phố 2, phường Phủ Hà, Tp.Phan Rang–Tháp Chàm), cho biết: Trước đây tôi không tin tưởng lắm với hàng nội, nhưng qua mua hàng ở siêu thị về sử dụng thấy bền, giá cả hợp lý, nên rất an tâm. Bây giờ gia đình tôi chỉ ưa dùng hàng Việt Nam.
Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam thu hút người dân đến tham quan, mua sắm.
Hưởng ứng Cuộc vận động, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhờ đó các sản phẩm nội địa đã lan tỏa lên vùng sâu, vùng xa. Ông Trương Tiến, chủ doanh nghiệp tư nhân Trương Tiến Hưng có trụ sở chính đóng ở tỉnh Đồng Nai, cho biết: Lúc đầu được mời tham gia phiên chợ ở huyện Bác Ái tôi không mấy hào hứng vì biết đây là địa bàn miền núi, chủ yếu là đồng bào Raglai cuộc sống còn khó khăn nên sức mua sẽ thấp. Nhưng không ngờ, qua tham gia doanh số bán ra khá cao. Nhận thấy nông thôn ở Ninh Thuận là thị trường tiềm năng, nên chúng tôi đã đăng ký tham gia các phiên chợ tiếp theo ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc…
Còn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trúc Nguyên (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), sau khi tham gia hội chợ biết người tiêu dùng nông thôn thích sử dụng những sản phẩm bền, chắc, mẫu mã bắt mắt nên đã tăng dần các mặt hàng qua từng phiên chợ, gồm nhiều loại đồ dùng thiết yếu, như: nước giải khát, dầu ăn, nước rửa chén, bột giặt, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng…Việc đẩy mạnh hoạt động thương mại ở thị trường nông thôn của Công ty đã tiêu thụ được một lượng hàng hóa đáng kể.
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, qua 6 phiên chợ tổ chức trong năm 2013, có 10 doanh nghiệp bán hàng đạt tổng doanh số gần 1 tỷ đồng. Trong đó, phiên chợ tổ chức ở huyện Bác Ái diễn ra từ ngày 29 đến ngày 31- 8-2013 đạt doanh số cao nhất (224 triệu đồng) chứng tỏ bà con vùng cao ngày càng ưa chuộng hàng Việt. Đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết: Xác định việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là hoạt động có ý nghĩa nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, nên quá trình tổ chức có sự chuẩn bị chu đáo. Trung tâm đã phối hợp với các huyện, xã triển khai việc khảo sát, chọn địa điểm thuận lợi để tổ chức các phiên chợ. Thời gian tổ chức các phiên chợ vào dịp diễn ra các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh như Lễ hội Ka- tê của đồng bào Chăm, Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai nên thu hút đông đảo bà con đến tham quan, mua sắm. Trong những ngày diễn ra phiên chợ, công tác tuyên truyền được tăng cường bằng nhiều hình thức, nhờ vậy người tiêu dùng nhận thức được “dùng hàng Việt Nam là yêu nước”. Có thể nói, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn trong tỉnh tiếp cận nhiều hơn và ngày càng ưa chuộng những sản phẩm mang thương hiệu Việt; đồng thời, mở ra hướng làm ăn mới cho các doanh nghiệp. Đây chính là lý do để các doanh nghiệp đề xuất ngành chức năng cần tiếp tục tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trong năm 2014.
Từ sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp, sự hưởng ứng của đông đảo người dân, cho thấy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Ninh Thuận