Hàng Việt đứng vững trong các cơ sở phân phối

Sáng nay (24/7), tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị sơ kết triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) 6 tháng đầu năm 2015 và phương hướng triển khai trong 6 tháng cuối năm. 

alt

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Hàng Việt có chỗ đứng nhất định

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các hoạt động triển khai hưởng ứng CVĐ của Bộ Công Thương tiếp tục được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

Cụ thể, hoạt động thông tin tuyên truyền đã được triển khai sâu rộng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài Bộ Công Thương. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hàng trăm tin, bài, chương trình phát thanh truyền hình đã được thực hiện với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”. Công tác tuyên truyền cũng tập trung phổ biến danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành 3 Quyết định nhằm bổ sung 8 sản phẩm vào Danh mục sản phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Đến nay, danh mục này đã bao gồm 215 sản phẩm, nhóm sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Triển lãm máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu Việt Nam sản xuất được” tại TP. Hồ Chí Minh… Các hoạt động tuyên truyền không những giúp người tiêu dùng tin tưởng, nhận biết về những sản phẩm hàng hóa Việt có chất lượng mà còn giúp DN quảng bá, tiêu thụ hàng hóa.

Để hỗ trợ cho các DN sản xuất hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia gồm 223 đề án với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, trong đó có 157 đề án XTTM nội địa với tổng kinh phí là 34,35 tỷ đồng. Chương trình XTTM quốc gia năm 2015 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động XTTM phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa tại một số tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh… Mỗi phiên chợ có khoảng từ 15 - 25 DN tham gia với 20 đến 40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã tổ chức gần 100 hội chợ, triển lãm, thu hút hơn 50 nghìn lượt DN tham gia, doanh thu bán hàng khoảng hơn 200 tỷ đồng.

Trong những tháng đầu năm 2015, Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ, chú trọng tập trung vào công tác thúc đẩy tiêu thụ một số nông sản có sản lượng lớn, mang tính thời vụ như dưa hấu, hành tím, quả vải… tại thị trường trong nước. Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với các kênh phân phối lớn như Metro, Big C, AEON, Lotte... để có kế hoạch phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, sau 6 năm triển khai, CVĐ đã chứng minh nhiều kết quả tích cực như tâm lý tin dùng hàng Việt đã có những bước tiến bộ đáng kể. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của DN trong nước mà còn của DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%. Người tiêu dùng Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của CVĐ và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định, để có được thành quả này, rất nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ. Từ việc xây dựng các cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất hàng hóa có chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa đến công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, hệ thống phân phối cũng như nhà sản xuất. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn giá… cũng được tổ chức thường xuyên và thu được kết quả tốt.

Tiếp tục vận động người Việt dùng hàng Việt

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lê Việt Nga cũng thẳng thắn thừa nhận, quá trình thực hiện CVĐ trong 6 tháng 2015 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất trong nước còn hạn chế về chủng loại, chất lượng, chưa đủ sức cạnh tranh...

Trong các tháng cuối năm 2015, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa CVĐ, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ đã được đề ra… Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ giai đoạn 2014 - 2020 và triển khai nhiệm vụ tại Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ năm 2015, dự kiến từ ngày 27 tháng 9 đến hết ngày 02 tháng 10 năm 2015, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên Tự hào hàng Việt Nam” năm 2015 với 2 địa phương triển khai chính là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh…

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Để hỗ trợ DN bán được nhiều hàng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm quản lý thương mại và bán hàng. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả sẽ được đẩy mạnh triển khai để tạo sự cạnh tranh minh bạch và hiệu quả hơn cho DN…”.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn