Hàng Việt vào siêu thị: Cần ưu tiên cho hàng nông, thủy sản
Hàng Việt đã được nhiều người biết đến hơn nhờ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vài năm qua, song lượng hàng nội trong các siêu thị, thị trường còn thiếu vắng. Nguyên nhân xuất phát từ việc chưa có sự liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 15-20% tầng lớp trung lưu có thu nhập gấp 3 lần GDP/người, mức tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ bình quân 13-15%/năm, thị trường trong nước, không chỉ là “bệ phóng” đối với DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ, các tập đoàn kinh tế trong nước mà còn là “lực hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư quốc tế, kể cả các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới. Do vậy, cần phải chăm lo cho hàng Việt, cho thị trường trong nước.
Theo số liệu thống kê được từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có 90% hàng hóa tại siêu thị hiện là hàng Việt. Trong số này có đóng góp lớn của một đại bộ phận DN FDI, còn nếu chỉ tính hàng thuần Việt thì con số này chỉ khoảng 30% chủ yếu là hàng nông sản. Ông Nguyễn Mại đánh giá, hàng Việt được các DN FDI sản xuất tương đối nhiều nhưng sự đóng góp này sẽ không bền vững. Bởi lẽ hiện Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ đang thu hút sự chú ý của các tập đoàn, DN nước ngoài, song khi vị thế này mất đi các DN nước ngoài rút khỏi thì mặt hàng bền vững của Việt Nam lại là hàng nông, thủy sản. Chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa cho những mặt hàng này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” diễn ra với hàng nông sản bộc lộ khiếm khuyết trong cả sản xuất và phân phối hàng hóa, kết nối giữa người sản xuất với siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Phân tích rõ hơn “khiếm khuyết” này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thẳng thắn nói: “Việc thiếu vắng nhiều sản phẩm nội trong các siêu thị là do tập quán sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều hàng hóa sản xuất ra vẫn chưa có bao bì khẳng định thương hiệu, đã gây khó khăn cho việc đưa vào hệ thống siêu thị”. Không những thế, một số sản phẩm còn chưa được kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí là không theo tiêu chuẩn ISO nào nên về cảm quan có thể là hàng ngon, hàng đẹp nhưng lại không có chứng chỉ nên nhiều siêu thị muốn nhận hàng lại không thể ký kết được.
Trong khi đó, về phía các siêu thị, vẫn còn một số DN yêu cầu chiết khấu quá cao dù hàng hóa đã đạt tiêu chuẩn, điều này làm giá cả đội lên, người sản xuất không chịu được nên bán ra ngoài, bán lẻ. “Có một thực tế, đó là người sản xuất ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ. Hàng hóa qua nhiều khâu trung gian dẫn đến giá bị đẩy lên cao ở khâu bán lẻ. Vì vậy, sản xuất không có động lực để phát triển nhanh”, ông Phú nói.
Ông Phú đề xuất, để hàng Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Nhà nước phải tổ chức các vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và cấp chứng chỉ cho sản phẩm để từ đó xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời tạo ra nhiều hành lang pháp lý cho DN kết nối với người nông dân nhằm bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy cách đóng gói bao bì và có địa chỉ của người chịu trách nhiệm về hàng hóa đó.
Ngoài ra, sản xuất phải tạo ra được chuỗi bán lẻ với khâu bán lẻ, liên kết từng địa phương, từng vùng, từng sản phẩm với hệ thống bán lẻ sao cho phù hợp. Lợi nhuận phải được phân chia một cách hợp lý. “Một số nước trên thế giới họ có luật hóa về phân chia lợi nhuận một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc. Đây là vấn đề mấu chốt, phải “cởi” được nút thắt này thì hàng hóa mới đến tay người tiêu dùng”, ông Phú khẳng định. Thêm vào đó, sắp tới đây, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với DN Việt. Nếu không có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của từng DN, không thiết lập tốt hơn quan hệ phân công và hợp tác trong từng ngành hàng theo chiều dọc từ sản xuất đến siêu thị, mạng lưới bán lẻ theo chiều ngang giữa các DN trong từng loại sản phẩm thì khó bền vững trên thị trường trong nước.
Theo báo hải quan