Hàng Việt: Liên kết để tăng sức cạnh tranh
“Thay vì phân biệt hàng sản xuất trong nước, hàng của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vấn đề quan trọng là cần liên kết lại để tăng sức cạnh tranh”, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- khẳng định với phóng viên Báo Công Thương.
Sau 6 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm thế nào là hàng Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Hàng hóa thương hiệu Việt đã được định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền CVĐ do Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì biên soạn và phát hành vào tháng 11/2012. Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các DN, nhà sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Như vậy, có thể nói hàng của các DN FDI cũng là hàng Việt Nam?
Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã quy định không có sự phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN FDI. Khối DN FDI đã trở thành một bộ phận của DN Việt Nam, hàng năm đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Hàng của DN FDI sản xuất ở Việt Nam, sử dụng nhân công và cơ sở hạ tầng của Việt Nam nên không có lý gì không được coi là hàng Việt Nam.
Thay vì phân biệt hàng do DN trong nước sản xuất, hàng của DN FDI, DN trong nước nên tìm cách liên kết, phối hợp với DN FDI để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phối hợp với các DN phân phối FDI để tìm đầu ra cho các sản phẩm Việt, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Ông vừa chia sẻ, hàng Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nước ngoài nhập khẩu. Vậy cần giải pháp nào để hỗ trợ hàng Việt tăng sức cạnh tranh ngay ở thị trường trong nước, thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định rằng hội nhập là xu thế tất yếu. Bên cạnh thuận lợi khi hàng hóa có cơ hội đi khắp thế giới thì hàng Việt cũng phải đối diện với hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất thấp. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam cải tiến chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh.
Với vai trò chủ trì trong đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và có lộ trình, vừa tạo áp lực cạnh tranh, vừa giúp DN có đủ thời gian để đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa. Mặt hàng nào có sức cạnh tranh tốt thì mở cửa trước, mặt hàng nào có sức cạnh tranh kém hơn thì mở cửa sau. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tham mưu, kiến nghị Chính phủ xây dựng nhiều bộ luật như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… để bảo vệ hàng hóa và người tiêu dùng trong nước.
Xin cảm ơn ông!