Hiệu quả kép từ Cuộc vận động Người Việt - Hàng Việt

Sau hơn bốn năm triển khai, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra hiệu quả kép, thể hiện ở việc người tiêu dùng ngày càng ưa thích hàng Việt, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước có sự “chuyển mình” mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

alt

Chuyển từ ý thức người tiêu dùng...

Chín giờ tối, đẩy một xe chất đầy hàng hóa từ thức ăn, hoa quả, văn phòng phẩm đến quần áo từ một siêu thị lớn của Hà Nội bước ra, chị Ly (33 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, rau quả này được dán mác là rau hữu cơ nhập từ làng rau Sóc Sơn, quần áo của Việt Tiến, còn đồ dùng học tập là của Hồng Hà… Lâu nay, tôi có thói quen sử dụng hàng Việt Nam cho hầu hết mọi nhu cầu tiêu dùng vì hàng Việt ngày càng có chất lượng, giá cả lại rất phải chăng.

Giống như chị Ly, thời gian qua, thay vì tâm lý “sính ngoại”, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn hàng Việt nhiều hơn cho nhu cầu tiêu dùng của mình. Sự chuyển biến thói quen tiêu dùng này có nguyên nhân một phần từ sức lan tỏa của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sau hơn bốn năm được triển khai (2009 – 2013), đánh giá về hiệu quả của Cuộc vận động, Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung đã thay đổi suy nghĩ, thói quen, hành vi mua sắm theo hướng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới hơn 58% người tiêu dùng ưa chuộng...

Chính vì vậy, hàng Việt ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các hệ thống phân phối. Cụ thể, hệ thống siêu thị Big C hiện có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước và con số này ở hệ thống siêu thị Saigon Co.op Mart là khoảng 95%. Còn hệ thống siêu thị Vinatex Mart thậm chí có đến 100% là hàng sản xuất trong nước. Riêng tại hệ thống các cửa hàng bình ổn thị trường cũng có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Việc các cửa hàng mang biển hiệu “Made in Việt Nam” xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn cho thấy nhu cầu hàng Việt đang thực sự rất lớn.

Khẳng định người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội cho biết, các sản phẩm hàng Việt ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phù hợp túi tiền của người tiêu dùng. Ngày càng nhiều sản phẩm Việt được chị em hội viên chúng tôi rất ưa chuộng như hàng gia dụng, giày dép, quần áo, sữa… Thậm chí, không chỉ mua để tiêu dùng mà chúng tôi còn mua gửi sang cho con, em... đang học tập, công tác ở nước ngoài vì size (cỡ) thích hợp, giá rẻ hơn mà mẫu mã cũng đẹp, bền…

Ngoài ra, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), nếu như trước khi có Cuộc vận động, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, 23% tin dùng các sản phẩm trong nước thì sau khi có Cuộc vận động, có đến 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.

 

... lan tỏa đến doanh nghiệp

Cùng với sự tín nhiệm của người tiêu dùng, sức lan tỏa của Cuộc vận động còn được thể hiện ở sự chuyển mình của các DN trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các DN đã tăng bình quân 25%.

Nhờ đó, số lượng hàng Việt cũng ngày càng dồi dào, phong phú với chất lượng được cải thiện, giá cả tương đối ổn định, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong cả nước cũng như xuất khẩu. Nền sản xuất trong nước hiện đáp ứng được 73% về nhu cầu thức ăn chăn nuôi; 70% về phân bón; 35% nhu cầu về sản phẩm xăng dầu; 100% nhu cầu về vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, gạch nung); 100% nhu cầu về dầu thực vật; hơn 48% nhu cầu về thuốc chữa bệnh; 40% nhu cầu về cơ khí…

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều nhãn hàng Việt đã và đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn như: mặt hàng sữa có Vinamilk, Mộc Châu; vật liệu xây dựng có tôn Hoa Sen, Viglacera, Đồng Tâm, Thạch Bàn; điện tử có Reetech, Viettronic Tân Bình, FPT, CMC; dược phẩm có dược Hậu Giang, Traphaco; bánh kẹo có Hữu Nghị, Biên Hòa, Kinh Đô, Tràng An; bia và nước giải khát có bia Hà Nội, Sài Gòn, Halida, Chương Dương; dệt may có Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Thăng Long; văn phòng phẩm có Hồng Hà, Vĩnh Tiến; nhựa có Rạng Đông, Tiền Phong … Bên cạnh đó, tại báo cáo xếp hạng mức độ phổ biến thương hiệu do Kantar Worldpanel (một trong những công ty hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu thị trường dựa trên chương trình nghiên cứu hành vi người tiêu dùng công bố đầu tháng 5-2013) cho thấy, ở những lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, thương hiệu sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước đã đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.

Đặc biệt, để phục vụ đến mọi đối tượng khách hàng, DN đã chủ động thực hiện mở rộng hệ thống phân phối về các khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn. Sau bốn năm triển khai Cuộc vận động, đã có 11.500 lượt DN tham gia đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 23 nghìn gian hàng, thu hút gần 2,3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm với doanh thu mang lại là hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt đã tích cực tham gia tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan)…Thông tin dự án vincity sài đồng sản phẩm vincity sài đồng thiết kế chung cu vincity sai dong sang trọng du an vincity sai dong Long Biên

Như vậy, sau hơn bốn năm triển khai, bằng nhiều giải pháp tích cực, các sản phẩm hàng Việt đã và đang ngày càng chứng tỏ chất lượng, sức cạnh tranh cũng như thương hiệu. Hiệu quả của Cuộc vận động đã không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy người tiêu dùng Việt sử dụng hàng Việt, mà còn ở sự chuyển mình của DN trong các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá, mở rộng hệ thống phân phối... để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Điều này thực sự có ý nghĩa trong việc phát triển hàng Việt tại thị trường trong nước một cách bền vững, gây dựng thương hiệu hỗ trợ hiệu quả cho xuất khẩu.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Bình luận của bạn