Hiệu ứng tốt từ điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại một điểm bán hàng ở huyện Sơn Hòa - Ảnh: V.PHÊ

Tuy mới khai trương nhưng mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã tạo hiệu ứng tốt về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống của người dân.

HIỆU ỨNG TỐT

Theo Sở Công thương, thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của hàng hóa mang thương hiệu Việt và tác động tích cực đến thói quen mua sắm hàng Việt của người dân; giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao sức cạnh tranh, tạo lập hệ thống phân phối hàng Việt ở các địa phương. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng với hàng hóa trôi nổi trên thị trường.

Bà Phạm Thị Thu Ưng, chủ điểm bán hàng Ưng Xanh (ở chợ Tuy Hòa), cho biết: Trước đây, chúng tôi chủ động tìm kiếm nguồn hàng có xuất xứ trong nước, bảo đảm chất lượng để cung cấp cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cửa hàng còn trưng bày một số sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất như cà phê, đường, bánh kẹo… Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của Sở Công thương, cửa hàng được treo biển quảng cáo, niêm yết giá và được bổ sung thêm kệ hàng nên số lượng hàng trưng bày nhiều hơn, thuận tiện cho người dân lựa chọn.

Với không gian rộng rãi, văn minh lịch sự, hàng hóa dồi dào và hầu hết là hàng Việt Nam chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Bà Lê Thị Hoài ở phường 4, TP Tuy Hòa, cho biết: Từ trước đến nay, hàng Việt được bán xen kẽ với hàng hóa của các nước nên mỗi lần muốn mua hàng Việt, tôi phải hỏi người bán. Nay tỉnh đã có điểm bán hàng Việt chuyên biệt nên chúng tôi an tâm hơn. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Bình ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi chỉ chọn mua hàng Việt Nam. Sau một thời gian sử dụng, tôi thấy chất lượng hàng Việt không kém gì so với hàng nhập ngoại, giá cả lại tương đối phù hợp. Hàng Việt Nam ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã, người tiêu dùng sẽ dễ chọn lựa khi có nhu cầu mua sắm.

CẦN NHÂN RỘNG

Theo bà Đinh Thị Hoàng Trang, chủ điểm bán hàng Việt ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) thì từ khi treo biển hiệu bán hàng Việt, khách hàng đến mua hàng nhiều hơn trước. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cửa hàng sẽ đảm bảo việc niêm yết giá, lấy hàng có chất lượng và giá phù hợp với túi tiền của người dân miền núi. Cửa hàng cũng dự kiến tăng cường thêm một số mặt hàng gia dụng để cung cấp cho người dân trong thời gian tới.

Ông Dương Hạnh, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Hòa, cho biết: Mô hình điểm bán hàng Việt sẽ định hướng, xây dựng văn hóa kinh doanh, tiêu dùng của người dân Phú Yên, đặc biệt giúp người dân nông thôn tiếp cận, thay đổi nhận thức về hàng Việt. Địa phương sẽ phối hợp với các thôn, xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền giúp người dân nắm bắt thông tin về hàng Việt cũng như các điểm bán trên địa bàn; khuyến khích, thuyết phục người dân mua bán hàng Việt. Huyện cũng sẽ cung cấp đường dây nóng để người dân dễ liên lạc, thông báo với chính quyền địa phương khi phát hiện sự cố liên quan đến chất lượng, nguồn gốc… của hàng hóa. Điều này sẽ giúp chính quyền địa phương cũng như các đơn vị liên quan, giám sát, kiểm soát được quá trình kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt của người dân.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Sinh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa, mô hình điểm bán hàng Việt Nam do Sở Công thương triển khai bước đầu đã phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa xã hội thiết thực, làm tiền đề để động viên, khuyến khích các điểm bán khác tham gia. Để tạo thuận tiện cho người dân mua sắm, mô hình bán hàng Việt này cần được tiếp tục nhân rộng. Ban quản lý chợ sẽ vận động tiểu thương kinh doanh hàng Việt để vừa giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước mở rộng hệ thống phân phối, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết: Để duy trì mô hình này, Sở Công thương yêu cầu các điểm bán hàng phải thực hiện tốt khâu cung cấp hàng hóa, tìm nguồn hàng chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng… Sở sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh. Trong thời gian đến, sở sẽ đề xuất với Bộ Công thương tạo điều kiện hỗ trợ để tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này, đồng thời vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mua bán hàng Việt với nguồn vốn của doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại 40 điểm bán hàng ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh với kinh phí thực hiện gần 496 triệu đồng.

Bình luận của bạn