Hỗ trợ làng nghề phát triển bền vững

Với 1.350 làng nghề, Hà Nội đứng đầu danh sách làng nghề cả nước, tạo giá trị sản xuất đạt hơn 8.600 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của các làng nghề Hà Nội đang chịu sự cạnh tranh từ các mặt hàng nhập khẩu cùng loại ngay tại "sân nhà". Gắn sản phẩm làng nghề với cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một trong những giải pháp hỗ trợ làng nghề Hà Nội phát triển bền vững.

alt

Kể từ khi CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được phát động, nhận thức của người tiêu dùng (NTD) Việt cũng như các nhà sản xuất đã có chuyển biến tích cực. NTD đã ý thức được lợi ích của việc dùng hàng "nội". Điều này không chỉ thể hiện lòng yêu nước mà còn tạo điều kiện phát triển sản xuất trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay các nhà sản xuất chưa được bảo vệ, hỗ trợ một cách thiết thực. Ví như câu chuyện cái tăm, trong nước sản xuất được, nhưng vẫn nhập khẩu với số lượng khá lớn hơn 1.000 tấn tăm tre/năm. Tăm nhập khẩu có giá rẻ chỉ bằng một nửa so với tăm sản xuất trong nước. Chúng ta vẫn coi cái tăm là chuyện nhỏ không đáng bàn. Nhưng, việc dùng ngoại tệ để nhập tăm tre thì không là chuyện nhỏ.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết với các làng nghề Hà Nội. Có thể lấy điển hình về sự cần thiết trong đổi mới là ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Mấy năm trở lại đây, nghề này ở đây bị thu hẹp, thị trường xuất khẩu gặp khó do sự cạnh tranh về chất lượng, giá thành từ các sản phẩm cùng chủng loại của Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Nếu không có sự thay đổi từ chính những công đoạn sản xuất thì sản phẩm của làng nghề khó có thể cạnh tranh. Một số DN làng nghề đã khảo sát cách làm ăn của các nước lân cận và nhận ra dù là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng các nhà sản xuất mây tre nước này đã áp dụng công nghệ vào nhiều công đoạn, nhất là những khâu không đòi hỏi sự tinh xảo của bàn tay người thợ như xử lý nguyên liệu… từ đó, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Nhưng, một vấn đề nan giải là những máy móc sơ chế nguyên liệu mây tre đan như ở Phú Vinh có giá thành đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi phần đông các hộ gia đình làm nghề mây tre đan đều là các hộ sản xuất nhỏ, khả năng đầu tư vốn hạn chế....

Hà Nội đã có chủ trương gắn các sản phẩm làng nghề với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để góp phần gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống. Việc cần thiết đối với các ngành chức năng là sớm đánh giá thực trạng những nhóm ngành nghề nào có thể đổi mới công nghệ thay cho lao động thủ công, công đoạn nào cần đổi mới, từ đó đưa ra những biện pháp thiết thực để hỗ trợ người dân. Mặt khác, cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ các làng nghề, nhất là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, giúp người nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả chủ trương trên, Nhà nước cần điều chỉnh lãi suất ngân hàng hợp lý, giá loại phí phù hợp… Sớm làm được những điều đó mới có thể giúp các DN làng nghề Hà Nội nói riêng, DN cả nước nói chung nâng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.

Nguồn:
Thanh Hiền, Hỗ trợ làng nghề phát triển bền vững,
http://hanoimoi.com.vn

Bình luận của bạn