Hội nghị “Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thực hiện Thông báo Kết luận số 264 –TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 14/12, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiến hành tổ chức Hội nghị “Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Trần Đức Lai đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Hơn 70% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam chất lượng cao
Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua, hiện nay cũng như về lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Qua đó, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo
Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Báo cáo của Hội nghị cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Dựa trên tổng kết của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt Nam, tại Hà Nội là 83%, trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt, 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng, nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, lao động ý thức trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp đối với Cuộc vận động; ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước phục vụ công tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, đổi mới công tác quản lý điều hành; thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm; tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, đi đôi với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ trong nước để cạnh tranh với các hàng hóa sản phẩm trên thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại Hội nghị
Về tình hình thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Kết quả từ Cuộc vận động cũng đã góp phần làm giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%. Năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% ( thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%). 10 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất siêu 64 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu là -0,07% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đánh giá chung về kết quả Cuộc vận động, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam”
Có được kết quả trên là do Cuộc vận động đáp ứng yêu cầu bức thiết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc trước tình hình khó khăn của nền kinh tế nên được xã hội đồng tình hưởng ứng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, Ban chỉ đạo Cuộc vận động và cơ quan thường trực Cuộc vận động là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Cuộc vận động; chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động phù hợp với điều kiện thực tế ở ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Cuộc vận động cũng nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đông đảo cán bộ, Đảng viên, người tiêu dùng trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và các lãnh đạo tham quan gian hàng
triển lãm tại Hội nghị
Tuy vậy, các báo cáo tại Hội nghị cũng phân tích và chỉ rõ các mặt tồn tại hạn chế của việc thực hiện Cuộc vận động trong thời gian qua. Theo đó, một số cấp ủy, Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở địa phương và đơn vị. Công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động ở một số cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chưa thường xuyên. Công tác quản lý thị trường, hải quan, thuế, đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động, sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tâm lý sính dùng hàng ngoại còn tồn tại ở một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiêu dùng mới
Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ghi nhận sự nỗ lực thực hiện Cuộc vận động của các cấp, các ngành trong việc triển khai Cuộc vận động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Hội nghị
Với mục tiêu thực hiện Cuộc vận động đến năm 2015 đề ra là: 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt; Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Cuộc vận động phải được coi trọng đặc biệt và tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Cần phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, nhằm xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng mới của người Việt. Các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Có như vậy, người Việt sẽ ưu tiên dùng hàng Việt nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm thực hiện cuộc vận động như: Chính phủ phân bổ kinh phí phù hợp cho các hoạt động thuộc Chương trình XTTM QG nói chung và xúc tiến thương mại thị trường trong nước nói riêng để tạo cơ sở thực hiện Cuộc vận động, đặc biệt là cho các hoạt động trọng tâm như đưa hàng Việt về nông thôn, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, v.v… Chính phủ tiếp tục xem xét, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối nội địa tốt đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, biên giới nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa; nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các điểm bán hàng Việt tại địa phương, lồng ghép, gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động với Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương.
Cũng nhân dịp này, ông Huỳnh Đảm, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trao bằng khen cho 76 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích tốt trong triển khai Cuộc vận động.
VnCharm
Nguồn: