Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Ngành công thương Thủ đô tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chương trình hành động của Bộ Công Thương và kế hoạch của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, ngay từ đầu năm 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung xây dựng, triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương trên địa bàn Thủ đô. Nhờ đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Hà Nội năm nay đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tích cực công tác thông tin tuyên truyền
Bên cạnh xây dựng Chương trình hành động của ngành công thương và Kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD), Sở Công Thương cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2013 của Sở và chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện.
Đáng chú ý, Sở đã tích cực phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và Info TV tuyên truyền cho 20 doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dịp Tết Nguyên đán và quảng bá thương hiệu hàng Việt, gồm các công ty cổ phần: Group Chương Mỹ, Bánh kẹo Hải Hà, Sữa quốc tế, Sữa Hà Nội, Bánh kẹo Hữu Nghị, Bánh kẹo Tràng An, Bánh kẹo Hà Nội, HABECO, Vang Thăng Long, Mỳ Hapro, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Dệt kim Đông Xuân; tuyên truyền cho các chuỗi siêu thị lớn của Hà Nội như Big C, Fivimart, Intimex, Hapro, Hiway, Lan Chi Mart… Bên cạnh đó, Sở tiến hành thông tin trên website của Sở về hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Nhà máy mỳ Hapro, các DN bánh kẹo Hà Nội, siêu thị Hiway Hà Đông… Phối hợp với Sở TT&TT tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền giới thiệu về các sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Hà Nội.Đồng thời, Sở còn tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề Hà Nội thông qua việc kết nối các đơn vị lữ hành đưa các tour du lịch đến phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tổng hợp kết quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN Việt trên địa bàn TP năm 2012 để phục vụ hội nghị triển khai công tác và phát động thi đua năm 2013 của UBND TP. Sở cũng tổ chức triển khai kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin DN Việt, báo cáo UBND TP chuẩn bị hội nghị gặp mặt đầu năm 2013. Trong năm nay, Sở đã triển khai khảo sát trực tiếp tại 73 DN, thu thập thông tin tại 70 DN; tổ chức cho gần 200 DN Việt tham dự hội nghị phổ biến các gói vay với lãi suất hỗ trợ của ngân hàng Vietcombank và Sacombank; phối hợp với các ngành để tìm giải pháp nới lỏng cơ chế hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư…
Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành tổng hợp khó khăn, vướng mắc của DN, đề xuất cơ chế hỗ trợ DN Việt trong việc vay vốn lưu động, phố biến các chương trình hỗ trợ DN như xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp nông thôn… để phục vụ hội nghị biểu dương và triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN do UBND TP tổ chức ngày 22/3/2013. Sở cũng phối hợp với Sở KH&ĐT xây dựng báo cáo, mời DN Việt tham gia hội nghị tiếp xúc DN do UBND TP tổ chức. Trong 9 tháng đầu năm 2013, TP đã tổ chức 4 hội nghị tiếp xúc DN trên địa bàn. Nhiều chính sách đã được UBND TP chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, cụ thể: Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho 5 DN với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng; ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 10/4/2013 về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho DN của TP năm 2013 theo hướng mở rộng đối tượng; trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về hỗ trợ vốn vay cho SXKD; gia hạn thuế giá trị gia tăng cho 10.769 DN với tổng số tiền 388,7 tỷ đồng; thuế thu nhập DN khoảng 61,8 tỷ đồng...
Trong năm nay, Sở Công Thương Hà Nội cũng tổ chức hội nghị phổ biến chính sách thuế theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường và cập nhật chính sách thuế mới năm 2013 cho trên 200 đại biểu của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP; phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Hà Nội giới thiệu về các gói vay ưu đãi 5.000 tỷ cho hơn 500 DN SXKD hàng Việt; tổ chức Hội thảo “Tiếp cận nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế & Việt Nam - Cơ hội cho DN Việt Nam 2013” cho gần 200 DN; Hội thảo “Vai trò của mạng lưới DN đối với sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ - kinh nghiệm của Nhật Bản và bài học cho Việt Nam”; phổ biến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm về công tác quản trị tài chính DN; hội thảo “Phát triển ngành cơ điện tử nhằm phát triển kinh tế Thủ đô bền vững”, “Ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN”...
Ngoài ra, Sở còn tiến hành rà soát chính sách phát triển công nghiệp chủ lực theo Quyết định 75/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của UBND TP để đẩy mạnh công tác hỗ trợ các DN sản xuất hàng Việt trên địa bàn; ban hành Văn bản số 398/SCT-QLCN ngày 29/1/2013 gửi các DN triển khai việc đăng ký tham gia chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2013 tới các DN. Tham mưu, trình UBND TP ban hành Kế hoạch số 32/KH-BCĐ ngày 28/2/2013 về hoạt động năm 2013 của Ban chỉ đạo phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội; tổ chức họp Ban chỉ đạo xem xét thông qua quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn TP. Sở cũng triển khai công tác xét công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2013; xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú ngành TCMN TP Hà Nội năm 2013; tổ chức xét và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2013; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP Hà nội năm 2013; triển khai chương trình khảo sát, tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất, DN làng nghề và Kế hoạch khuyến công TP Hà Nội năm 2013… Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 31/2012/QĐ-UB ngày 30/10/2012 của UBND TP về Quy chế “Hỗ trợ DN trên địa bàn Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu”. 9 tháng đầu năm 2013, Sở đã tiếp nhận được 25 hồ sơ đăng ký tham gia hỗ trợ, từ đó thẩm định, lựa chọn 15 bộ hồ sơ đủ điều kiện trình UBND TP xem xét quyết định hỗ trợ cho các DN.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị