Kết nối người Việt - hàng Việt

Ngày 1/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Kết nối cung - cầu khu vực miền Bắc 2015. Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện Tuần nhận diện hàng Việt Nam diễn ra đồng thời tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh từ ngày 25/9 đến 4/10/2015. 

alt

Nhiều sản phẩm “made in Vietnam” được đưa đến hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, từ những hội nghị kết nối cung cầu, các nhà sản xuất, DN Việt Nam có thêm cơ hội kết nối với nhau để cùng đưa hàng hóa trong nước đến tay người tiêu dùng Việt.

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước 

Tham gia hội nghị kết nối cung cầu các tỉnh miền Bắc, nhiều DN nhỏ và vừa đến từ nhiều địa phương cho biết, đây sẽ là cơ hội để họ trực tiếp kết nối với các hệ thống phân phối, các đại lý bán lẻ, các siêu thị để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, cũng là điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với hàng Việt Nam.

Theo ông Phạm Hùng Vũ, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đồ thủ công Mỹ nghệ và Thương mại Thu Nguyệt, hiện hầu hết các mặt hàng của công ty mới chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, số lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa là rất hãn hữu. Do đó, hội nghị tạo những thời cơ mới để công ty tìm kiếm bạn hàng, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm ngay tại thị trường trong nước.

Là một nhà sản xuất đến từ tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Văn Hạnh, Giám đốc Công ty Curcumin Bắc Hà, chuyên cung ứng thực phẩm chức năng, cho biết: Trước đây, do nguồn vốn còn hạn hẹp, kinh phí đầu tư cho vấn đề quảng bá sản phẩm không nhiều nên, các sản phẩm của công ty chỉ loanh quanh địa phương, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dựa vào mối quen biết…

Tuy nhiên, đến với hội nghị kết nối cung - cầu, các sản phẩm của ông đã có điều kiện để tìm kiếm thêm đối tác, bạn hàng, có thêm cơ hội để người tiêu dùng khắp cả nước biết đến. “Hàng hóa qua các kênh bán lẻ, hệ thống siêu thị sẽ đến với người tiêu dùng nhanh nhất” - ông Hạnh chia sẻ.

Ông Ishikawa Tadahiko, Trưởng đại diện Aeon tại Việt Nam, cho biết  90% hàng hóa được bày bán tại siêu thị Aeon (Nhật Bản) được mua từ các nhà sản xuất Việt Nam. Trong thời gian tới, Aeon muốn mua các sản phẩm rau hữu cơ, các đồ tươi sống như cá, hải sản, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chức năng, đồ nhựa... của Việt Nam để đưa lên kệ siêu thị. 

Như vậy, có thể thấy rõ, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ tác động đến tâm lý, tư duy của người tiêu dùng trong nước mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho các DN sản xuất trong nước.

Tìm tiếng nói chung

Tuy nhiên, một số DN cho biết, quá trình kết nối đưa sản phẩm đến các hệ thống siêu thị vẫn còn tồn tại những rào cản. Đại diện hãng Chè Tân Cương cho hay, hiện nhiều sản phẩm chè chất lượng cao chủ yếu được đưa vào các siêu thị mi – ni, các đại lý bán lẻ chứ chưa vào các hệ thống siêu thị lớn. Bởi vậy, theo đề xuất của đại diện hãng chè này, nhà quản lý cần đưa ra những cơ chế, chính sách để các sản phẩm chè Tân Cương chất lượng cao có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước thông qua các kênh siêu thị lớn.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) cũng nêu quan điểm, mặc dù thời gian qua đã có nhiều mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất với các nhà phân phối bán lẻ, các hệ thống siêu thị tên tuổi như Coop Mart, Hapro, Fivimart... song, hàng hóa của một số cơ sở sản xuất vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận với các kênh phân phối này do hạn chế về thương hiệu sản phẩm, sản lượng hàng hoặc DN sản xuất và các kênh phân phối chưa tìm thấy tiếng nói chung trong quá trình thỏa thuận hợp đồng về quy trình thanh toán, điều kiện giao hàng…

Là một trong những kênh bán lẻ lớn của Việt Nam, hệ thống siêu thị Fivimart đã và đang đưa ra những giải pháp tạo điều kiện để các sản phẩm hàng hóa trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Vũ Thị Hậu,  Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (thuộc hệ thống siêu thị Fivimart) cho hay: Một trong những cách làm mới mà Fivimart đang tiến hành để hàng hóa trong nước có thể tiếp cận dễ dàng với hệ thống siêu thị này đó là, tất cả các sản phẩm mà DN, nhà sản xuất mang đến đều sẽ được đội ngũ cán bộ chuyên ngành trực tiếp đứng ra kiểm nghiệm xem các sản phẩm đó có đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào siêu thị hay không.

“Sản phẩm nào đủ điều kiện, sản phẩm nào chưa đủ tiêu chuẩn sẽ được chúng tôi hồi đáp ngay cho DN” - bà Hậu cho biết. Theo bà Hậu, cách làm này đã và đang tạo thêm điều kiện, cơ hội để hàng hóa của các DN đến được với các kênh siêu thị nhanh và thuận tiện hơn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhìn nhận: Hội nghị kết nối cung - cầu như một giải pháp tích cực đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, kéo người tiêu dùng trong nước đến gần hơn với các sản phẩm nội địa, đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của các DN Việt Nam. 

Nguồn: Báo Đại đoàn kết

Bình luận của bạn