Làm gì để người Việt dùng hàng Việt?

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu nhưng phải thừa nhận, quá trình đưa hàng Việt về khu vực nông thôn còn rất nhiều khó khăn.

8 giờ tối, thời điểm những cửa hàng xung quanh các khu công nghiệp huyện Thường Tín (Hà Nội) nhộn nhịp nhất. Khi công nhân các nhà máy tan ca và bủa ra mua sắm trong khoảng thời gian eo hẹp trước bữa cơm tối, cơ hội kinh doanh cũng đến với các DN bán lẻ thành phố đưa hàng về nông thôn tiêu thụ. Vừa chọn hàng, chị Nguyễn Thị Thêu (công nhân tại một nhà máy ở xã Chương Dương, Thường Tín) chỉ vào giỏ hàng với nước rửa bát Mỹ Hảo, sách vở Hồng Hà, sữa Vinamilk… nói: “Tôi chọn mua những mặt hàng này vì giá rẻ, chất lượng tốt”.

alt

Giá hàng hóa quá cao chưa phù hợp thu nhập của nông dân

Cách tiêu dùng của chị Thêu cho thấy hiệu quả sống động của các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, do các DN triển khai theo tinh thần Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chương trình được xem là giải pháp khai thông cho hàng Việt về nông thôn, đã tạo cầu nối để DN tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa. Theo Bộ Công Thương, từ khi triển khai chương trình năm 2009 đến nay, các địa phương trên cả nước đã tổ chức được gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 11.500 lượt DN tham gia, hơn 23.000 gian hàng, thu hút xấp xỉ 2,3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm. Doanh thu mang lại từ các đợt bán hàng về nông thôn như thế là hơn 1,7 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu nhưng phải thừa nhận, quá trình đưa hàng Việt về khu vực nông thôn còn rất nhiều khó khăn. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN - BSA), mặc dù thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng với 70% dân số sinh sống, nhưng khu vực này chưa thực sự thu hút các DN sản xuất kinh doanh trong nước đưa hàng về. Bởi, thị trường này vẫn có doanh số thấp do sức mua phân tán và thấp, chi phí vận chuyển cao…

Hiện chỉ có vài chục công ty sản xuất hàng tiêu dùng trong nước có hàng hóa khá phổ biến tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó chủ yếu là nhãn hàng của các tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, Dutch Lady, P&G, Pepsi, Nestle… Các nhãn hiệu lớn trong nước có Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Vina Acecook, Mỹ Hảo, Kinh Đô… Trong khi một số mặt hàng như sữa, nước rửa bát, nước ngọt… làm khá tốt việc chiếm lĩnh thị trường nông thôn, các sản phẩm khác như dệt may, da giày… lại chưa làm tốt việc này.

Nguyên nhân chính là giá còn khá cao, chưa phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng khu vực nông thôn. Đơn cử như mặt hàng dệt may, với giá vào khoảng 300 nghìn đồng/chiếc áo sơ mi thương hiệu Việt như hiện nay, không phải người tiêu dùng nông thôn nào cũng có thể dễ dàng bỏ tiền mua. Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam thừa nhận, hàng dệt may Việt Nam hiện chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là giới công chức có thu nhập khá.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối khu vực nông thôn cũng đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn. Điều này là trở ngại cho các DNNVV của Việt Nam, trong bối cảnh quy mô DN đa số là nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu. Để hỗ trợ nhiều hơn DN Việt nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đưa hàng về nông thôn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm 2014, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.Thông tin dự án vinhomes giảng võ dự án vinhomes gallery sản phẩm mới Gallery giảng võ thiết kế mới chung cư vinhomes giảng võ Ba Điình Hà Nội

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm, yếu tố quan trọng nhất giúp DN Việt chiếm lĩnh được thị trường nông thôn là họ phải sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, DN cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa dân tộc để cải tiến mẫu mã, sản phẩm cho phù hợp. Không chỉ có vậy, DN cũng cần đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm nội, từng bước mở rộng mạng lưới bán lẻ tại vùng nông thôn. Cơ quan quản lý cũng cần có hệ thống kiểm soát các DN trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đối với hàng hóa. Khi các DN tuân thủ tốt các tiêu chuẩn này, chắc chắn người dân Việt Nam sẽ có ấn tượng tốt và chọn mua hàng hóa Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

 

Bình luận của bạn