Mừng lo hàng Việt

Mừng ...

Không chỉ các mặt hàng được bày bán trong siêu thị đã được kiểm định rõ nguồn gốc, xuất xứ, mà ở các chợ đầu mối, chợ cóc- nơi xưa nay các bà nội trợ chỉ chú ý tới bao bì hơn là nguồn gốc, xuất xứ - cũng luôn đòi hỏi: “Hàng có phải Việt Nam sản xuất không?”. Danh mục hàng Việt Nam đã được người Việt dùng nhiều, từ thực phẩm chế biến sang cả hàng tươi sống, rồi hàng công nghiệp nhẹ như quần áo, đồ gia dụng... Được như vậy là nhờ cả một hệ thống chính trị từ Bộ Chính trị tới các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ... đã vào cuộc. Chính phủ chỉ đạo sát sao Bộ Công Thương đề ra các giải pháp thực hiện quyết liệt, phối hợp với các bộ, ngành ổn định thị trường, tăng năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn hàng ổn định phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

alt

Quản lý thị trường thì ngày đêm tổ chức kiểm tra, kiểm soát, đề phòng các biến động bất lợi về giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm... Bộ Tài chính cũng đã ban hành các chỉ thị, chỉ đạo các Sở Tài chính, Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc... đồng loạt “ra quân” góp phần bình ổn giá, đồng thời triển khai các biện pháp quản lý để giảm sức nóng của thị trường sau Tết. Kết quả thị trường những ngày này ít biến động lớn. Mừng quá, có thể nói tuy chỉ là bước khởi đầu, hàng Việt đã được người tiêu dùng chấp nhận. Nhưng để duy trì ổn định tâm lý này, lại thấy lo lo.

Lo ...

Lâu nay các báo hay giật tít “Hàng Việt mất sân nhà” thì nay “sân nhà” đã lấy lại được rồi thì lo mà giữ chứ. Cơ hội vừa qua nhìn lại, thấy cũng chưa phải tự thân các doanh nghiệp trong nước làm ra. Cơ hội đến phần lớn do tâm lý người tiêu dùng tẩy chay hàng Trung Quốc sản xuất thiếu đạo đức kinh doanh, hám lời, chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe. Người dân quay sang dùng hàng nội. Năm nay đã là năm thứ ba thực hiện lời kêu gọi của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”, được triển khai trên cả nước. Thị trường Tết Quý Tỵ đã thể hiện rõ người tiêu dùng cả nước đang hưởng ứng tốt cuộc vận động này. Lo là ở chỗ cuộc vận động với các biện pháp hỗ trợ lãi suất... tất cả chỉ là giải pháp nhất thời. Còn để người tiêu dùng không quay lưng lại với hàng nội, các nhà sản xuất phải luôn suy nghĩ đừng để người tiêu dùng vì yêu nước mà phải mua hàng nội chất lượng kém, giá cao. Nhìn sang các nước bạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng nội địa chất lượng cao hơn hẳn, người Việt ta rất chuộng hàng nội địa của Nhật. Doanh nghiệp Việt nên bắt chước họ sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa có chất lượng cao, xứng đáng với lòng tin người tiêu dùng. Như vậy, bên cạnh vai trò của Nhà nước, Chính phủ các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm chi phí trung gian – yếu tố đang triệt tiêu hết các khoản lợi nhuận- để cạnh tranh hiệu quả hơn.

Cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa đang có như hiện nay là mừng lắm, nhưng giữ vững và duy trì niềm tin trong người tiêu dùng là điều đáng phải lo ngay từ lúc này. 

VnCharm

Nguồn:

http://www.toiyeublog.net/14621-nguoi-viet-dung-hang-viet-mung-mung-lo-lo

Bình luận của bạn