Nâng cao vai trò của báo chí trong cuộc vận động dùng hàng Việt

Ngày 26-11-2013, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” năm 2013 cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí phía Nam.

71% người tiêu dùng chuộng hàng Việt

Theo ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban thường trực Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, sau hơn 3 năm thực hiện Cuộc vận động, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt  trong nền kinh tế, góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt tại nhiều tỉnh, thành phố cũng cho thấy, tại nhiều địa phương có tới 80% người ưa chuộng các mặt hàng dệt may, giày dép và gần 60% người tiêu dùng ưa chuộng nhóm hàng thực phẩm rau củ quả của Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc quản lí thị trường hàng hóa nhập khẩu chưa chặt chẽ khiến nhiều hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng và gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước. Một số cơ chế chính sách chưa thật thông thoáng, thủ tục còn rườm rà gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lí, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước…

Theo mục tiêu của Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đến năm 2015, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa, sản xuất trong nước khi mua sắm công; 100% cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục, định kỳ tuyên truyền về cuộc vận động; 90% các cơ quan kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; giảm 50% hàng nhập lậu so với năm 2012; 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt…

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Lê Bá Trình, cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đó phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động. Đồng thời, xây dựng chiến lược hành động quốc gia “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đến năm 2020. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm…

alt

Nâng cao vai trò truyền thông

Nhận định về vai trò của các cơ quan truyền thông trong Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trần Đức Lai cho biết, trong những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, hàng vạn tin bài tuyên truyền về Cuộc vận động  với nhiều nội dung phong phú đã thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo khán giả và người tiêu dùng trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn tồn tại tình trạng một số cơ quan báo chí còn đưa tin chưa chuẩn xác, thiếu thiện chí, thiếu khách quan, gây tâm lí hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tại một số cơ quan báo chí vẫn nhập nhèm giữa chức năng quảng cáo với tuyên truyền về sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, các cơ quan thông tấn báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò định hướng tiêu dùng, định hướng thị trường, loại bỏ tâm lí sính ngoại cũng như quan niệm hàng tốt chỉ dành cho xuất khẩu …

Cùng quan điểm như trên, bà Lê Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Truyền thông Điện tử, Bộ Thông tin -Truyền thông cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần xem việc tuyên truyền cho Cuộc vận động là một nhiệm vụ chính trị cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời về nội dung, hình thức tuyên truyền cần có sự đổi mới. Bên cạnh việc giới thiệu quảng bá những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đạt tiêu chuẩn thương hiệu Việt cũng cần phải tôn vinh các gương điển hình, mô hình thực hiện tốt nội dung của cuộc vận động; kịp thời đưa tin, phản ánh, phê phán những hành vi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn cho người sử dụng, giá cả không hợp lí, không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng…

Nguồn: Báo Hải quan

Bình luận của bạn