Nâng cao vai trò doanh nghiệp trong chống hàng giả, hàng nhái
Hiện nay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành hàng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để chống hàng giả, hàng nhái, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hội chợ "Hàng Việt Nam 2013" vừa được tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ hơn 100 DN trong nhiều lĩnh vực thiết yếu và công nghiệp chủ lực của Hà Nội, như thực phẩm, dệt may, giày dép, điện máy, nội thất gia dụng, thủ công mỹ nghệ… Bên cạnh các gian hàng thương mại, điểm đặc biệt của hội chợ lần này là gian hàng phân biệt hàng thật, hàng giả của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, nhằm giúp người tiêu dùng (NTD) nâng cao nhận thức về sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của mình khi mua hàng hóa. Tại đây, Chi cục QLTT Hà Nội đã trưng bày hơn 500 mẫu hàng giả như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, rượu, mỹ phẩm, mũ bảo hiểm, phụ tùng xe máy, giày thể thao, bột giặt OMO, vật tư nông nghiệp… mà lực lượng này đã thu giữ sau các cuộc kiểm tra. Bên cạnh đó là các mẫu hàng thật với chỉ dẫn chi tiết về cách phân biệt hàng thật - hàng giả qua hình dáng mẫu mã bên ngoài, tem sản xuất…
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng giả bị thu giữ.
Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, công nghệ làm giả hàng hóa ngày càng tinh vi, rất khó để NTD có thể phân biệt được thật - giả. Hàng giả đang lưu hành trên thị trường một phần do các cơ sở gia công trong nước thực hiện, một phần được sản xuất nhái ở nước ngoài rồi đưa về tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín sản phẩm thật, đồng thời thiệt hại cho NTD. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý triệt để hàng giả khiến công tác chống hàng giả gặp nhiều khó khăn. Để chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ các DN sản xuất, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 127 Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu, hàng giả trên địa bàn, nhất là việc vận chuyển, kinh doanh gà nhập lậu và sản phẩm gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần ổn định thị trường.
Ngoài ra, BCĐ cũng tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sản phẩm cho các DN; tổ chức hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu sản phẩm, thành lập gian hàng trưng bày sản phẩm chính hãng và sản phẩm làm giả, làm nhái lưu thông trên thị trường để NTD nhận biết. Lực lượng chức năng đã phối hợp với DN bàn biện pháp phát hiện, chống làm giả sản phẩm; tổ chức nhiều cuộc trao đổi về thực trạng hàng nhái, hàng giả; cung cấp chi tiết những đặc điểm nhận biết, cách phân biệt hàng thật, hàng giả và những hệ lụy do sử dụng sản phẩm giả… để có thêm cơ sở truy quét hàng giả và giúp NTD lựa chọn sản phẩm dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, DN cần chủ động bảo vệ thương hiệu của DN mình qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã hàng hóa; quản lý chặt chẽ quy trình công nghệ, giáo dục đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của DN nâng cao ý thức bảo vệ DN; chủ động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, dán tem chống hàng giả vào những vị trí dễ nhận biết. DN cần chọn nhà phân phối, người bán hàng có uy tín, trách nhiệm, cam kết chặt chẽ trong việc phân phối sản phẩm. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và NTD phát hiện nhằm tố giác các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; thông tin các tính năng, tác dụng, niêm yết giá rõ ràng, cách nhận biết hàng thật - giả, địa chỉ sản xuất để NTD nắm được khi lựa chọn sản phẩm.
Để cuộc chiến chống hàng giả đạt hiệu quả hơn nữa, các cấp có thẩm quyền cần sớm đổi mới các chính sách, cơ chế chống buôn lậu và gian lận thương mại; ban hành, bổ sung những văn bản pháp lý cho công tác quản lý hàng hóa hiện còn tồn tại nhiều lỗ hổng; xử phạt nặng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu…
Nguồn: Báo Hà Nội mới