Nâng tầm sản phẩm nhờ Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt

Sau 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các doanh nghiệp nhà nước đã đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thay đổi cả thương hiệu vì thị trường trong nước, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện Cuộc vận động có quy mô lớn này.

Kết luận của Bộ Chính trị đã được Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chuyển hóa thành chủ trương hành động là: “Các tập đoàn, tổng công ty,ngân hàng trong khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”.

alt



Do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, gắn nội dung thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (gọi tắt là Cuộc vận động) với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng hàng năm nên đa số cán bộ đảng viên, người lao động các đơn vị trong Khối đều nhận thức được Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương đúng đắn kịp thời giúp doanh nghiệp có thêm nguồn động lực mới để kích cầu sản xuất và kinh doanh trong lúc kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp.

Kết quả cho thấy, trong mỗi doanh nghiệp, ý thức sản xuất, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau đã chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ nội địa hóa có đơn vị đạt mức trên 90%.

Các đơn vị như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Dệt May, Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty (TCT)công nghiệp Xi măng VN, TCT Thép VN, TCT Lương thực vv... thể hiện ý thức rất cao trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương của Đảng ủy Khối.

Để thực hiện tốt nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các doanh nghiệp trong Khối rất coi trọng việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ cả về chất lượng và giá cả.

Đã có nhiều thay đổi tại mỗi doanh nghiệp khi thực hiện Cuộc vận động lớn này. Tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN, toàn Tập đoàn đã chủ động nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới vào đầu tư phát triển; tăng cường nội địa hóa một số sản phẩm dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh, như: hệ thống cáp quang, hệ thống truyền dẫn thông tin, các trạm viễn thông, cột truyền sóng di động, mở rộng phạm vi phủ sóng đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; phát triển nhiều gói hàng hóa dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều loại khách hàng; mở rộng các trạm phát sóng 2G, 3G; đưa hệ thống VINASAT 1, VINASAT 2 vào khai thác để mở rộng và nâng cao khả năng, chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Hay như tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam, tính đến tháng 7/2013, đã có khoảng 564/814 phi công là người Việt Nam, đáp ứng 70% nhu cầu phi công khai thác số máy bay hiện có; có tới 1.940/2008 tiếp viên là người Việt Nam...

Tập đoàn Dệt may VN cũng tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành. Hệ thống phân phối nội địa phát triển hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị thời trang và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm,vv...

Theo Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động này, các doanh nghiệp trong Khối rất coi trọng việc duy trì và nâng cao hình ảnh, giá trị thương hiệu. Hầu hết các doanh nghiệp trong Khối đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, phản ánh được lĩnh vực kinh doanh cũng như triết lý, quan điểm kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Bảo Việt, Vietinbank, Vietcombank...sẵn sàng thay đổi bộ nhận diện thương mại đã có nhiều năm sang bộ nhận diện thương mại mới. Thông qua đó thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, hiện đại, năng động,góp phần giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp vững chắc trong lòng người tiêu dùng.

alt

Lãnh đạo VNPT, VNPost và các doanh nghiệp trong Khối doanh nghiệp Trung ương cùng ký kết hợp tác hưởng ứng Cuộc vận động

Nâng sản phẩm trong nước lên tầm quốc tế

Trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển nguồn lực có chất lượng, một số doanh nghiệp đã có thành công lớn trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để chế tạo sản phẩm mang tầm vóc quốc tế. Trong đó phải kể đến việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN đã tự chế tạo và hạ thủy thành công dàn khoan nước sâu tự nâng Tam Đảo 03 nặng 12.000 tấn.

Đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, thay thế cho dàn khoan phải mua của nước ngoài trước đây. Sự kiện này đã đưa Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở châu Á và  là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới chế tạo dàn khoan tự nâng đạt chuẩn quốc tế.

TCT CN Xi măng VN trước đây hàng năm phải nhập khẩu 1 triệu tấn Clinker, từ năm 2010 đã hoàn toàn sử dụng Clinker trong nước để sản xuất xi măng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nội địa...

Tăng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Tính đến năm nay, đã có khoảng 23/32 tập đoàn, TCT, ngân hàng trong Khối triển khai, thực hiện các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác 2 bên, 3 bên để hưởng ứng Cuộc vận động.

Riêng lĩnh vực thương mại dịch vụ, Tập đoàn VNPT tiếp tục đầu tư mở rộng mạng Vinaphone, Mobiphone, lắp đặt thêm 30.000 trạm di động 2G, 3G trong đó có 15.000 trạm tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phân đấu đưa điện thoại, internet đến 100% các xã vùng sâu, vùng xa. Đây là những kết quả khả quan từ việc thực hiện Cuộc vận động.

Từ năm 2010 Tập đoàn Xăng dầu đã tự thực hiện vận chuyển 99% khối lượng xăng dầu đã tiết kiệm được chi phí rất lớn; đưa vào sử dụng trên 155.000 mét khối kho bể, sử dụng vật liệu trong nước chế tạo thay thế hàng nhập khẩu. Liên kết cung cấp xăng dầu cho hầu hết các doanh nghiệp trong Khối, đồng thời tích cực sử dụng các dịch vụ của các doanh nghiệp, như: Điện lực, VNPT, Dầu khí...

Trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, trước đây, hầu hết các nhà máy thủy điện lớn trong nước đều phải thuê chuyên gia nước ngoài từ khâu thiết kế đến thị công lắp đặt, vận hàng. Với sức lan tỏa thiết thực của Cuộc vận động, Tổng công ty Sông Đà rất tích cực đầu tư phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao, khai thác sử dụng vật liệu trong nước, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực VN tổ chức thi công xây dựng thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, làm lợi cho nhà nước 40 nghìn tỷ đồng.

Đây là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á được đưa vào vận hàng góp phần quan trọng về điều tiết nước mùa mưa lũ, mua khô cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng núi Tây Bắc và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia....

 Ở các lĩnh vực khác như: sản xuất nông – lâm nghiệp; giao thông vận tải;ngân hàng – tài chính – bảo hiểm... cũng có nhiều thay đổi theo hướng khá tích cực từ Cuộc vận động.

Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã đánh giá, Cuộc vân động đã được triển khai có hiệu quả, tạo thêm động lực cho doanh nghiệp tự đổi mới, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường; quá trình liên doanh liên kết đã tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển doanh nghiệp. Kết quả bước đầu Cuộc vận động là cơ sở góp phần trong công tác xây dựng Đảng.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong Khối sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, chủ động đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Các doanh nghiệ, ngân hàng trong Khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau”. Các cấp ủy đảng trong Khối tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Cuộc vận động có chiều sâu, sức lan tỏa mạnh mẽ; tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt, hàng hóa dịch vụ các doanh nghiệp trong Khối; sản xuất nhiều hàng hóa Việt có chất lượng tốt,đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, góp phần tích cực phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nguồn: Báo điện tử VnMedia

Bình luận của bạn