Ngành Công Thương Ninh Bình: Giữ ổn định thị trường, tăng tiêu thụ hàng Việt
Với sự phát triển mạnh của nhiều lĩnh vực, thành phần kinh tế, đặc biệt là du lịch… Những năm gần đây hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra hết sức sôi động.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Kim Sơn - Ninh Bình
Để kiểm soát, bình ổn thị trường, các đơn vị chức năng của ngành Công Thương đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo mục tiêu giữ ổn định thị trường gắn với thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng Việt và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Kiểm soát tốt thị trường
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình luôn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đẩy mạnh hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo đúng quy định. Đơn vị cũng thực hiện tốt công tác phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thị trường hàng hóa, dịch vụ.
Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát và mạnh tay với các hành vi vi phạm trên địa bàn, tuy nhiên tình trạng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo VSATP vẫn tồn tại dù chủ yếu với quy mô nhỏ. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là điện tử, điện dân dụng, vải, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ nhập lậu, phụ gia thực phẩm giả nhãn hàng hóa. 6 tháng đầu năm 2013, QLTT tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra gần 1.400 vụ với 809 hành vi vi phạm, trực tiếp thu phạt gần 2,8 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT đã tập trung kiểm tra thực hiện các quy định về thủ tục kinh doanh đối với những mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; kiểm tra, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu; kiểm tra các quy định về niêm yết giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng; kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa. Hoạt động kiểm tra hàng hóa, dịch vụ được tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, các mặt hàng bị cấm kinh doanh; hàng hóa và dịch vụ nằm trong danh sách bình ổn giá, kê khai, đăng ký giá.
Theo ông Nguyễn Khải Hoàn – Phó Chi cục trưởng QLTT tỉnh Ninh Bình: “Không chỉ kịp thời xử lý những sai phạm, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tạo sự cạnh tranh lành mạnh; giữ ổn định thị trường và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn”.
Về kế hoạch “dài hơi” Chi cục QLTT sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, chống đầu cơ găm hàng; tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc bán, lưu thông các loại hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận về đo lường chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, tổ chức quảng cáo, khuyến mại trái phép. Tiếp tục phát huy vai trò thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo 127 tỉnh trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh
Nhiều “lực đẩy” cho tiêu dùng hàng Việt
Ngay sau khi cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai tại Ninh Bình, các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp (DN) tổ chức nhiều hoạt động nhằm đi vào nhận thức của người tiêu dùng, giúp người dân hiểu và tham gia.
Sở Công Thương Ninh Bình đã phối hợp với các địa phương triển khai tổ chức khoảng 30 lượt hội chợ trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng ngàn DN, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia, doanh thu bán hàng tại các kỳ hội chợ lên đến vài chục tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn và khu công nghiệp phục vụ người lao động…
Hưởng ứng CVĐ người Việt dùng hàng Việt, các DN trong và ngoài tỉnh đã thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại trên địa bàn bằng nhiều hình thức như tặng quà, giảm giá… Ngành Công Thương đã tổ chức tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích DN triển khai các chương trình khuyến mại, đào tạo nghề trong lĩnh vực thương mại; tổ chức cuộc thi bình chọn mẫu mã, nhãn mác sản phẩm rượu Kim Sơn, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ, kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến trong thực hiện; tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng.
Để hàng Việt tiêu thụ tốt và đến được nhiều đối tượng người tiêu dùng, hệ thống bán hàng và phân phối cũng được quan tâm phát triển. Đó là việc triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các trung tâm thương mại, siêu thị cùng hệ thống đại lý, cửa hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Đặc biệt, ngoài việc thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được lực lượng quản lý thị trường tỉnh quan tâm, qua đó góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc.
Theo thời gian, có thể nhận thấy người dân Ninh Bình ngày càng quan tâm, lựa chọn hàng Việt trong tiêu dùng, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ phẩm, giày dép, quần áo... Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh đã đưa ra những chương trình giới thiệu, khuyến khích khách hàng dùng hàng Việt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường toàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 7.459,7 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ đã có sự đóng góp không nhỏ của chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. nCuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai tại Ninh Bình đã thu được kết quả rất đáng ghi nhận. Bước đầu có những chuyển biến đáng kể về nhận thức của người dân cũng như các DN. Thời gian tới, ngành Công Thương Ninh Bình sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các DN xúc tiến thương mại, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thông tin đầy đủ kịp thời giá cả, cung - cầu hàng hóa tới các DN và người tiêu dùng, tạo nhịp cầu liên kết giữa người Việt và hàng Việt…
Dương - Long
Nguồn: Báo Công Thương