Người Việt dùng hàng Việt: Hướng giải pháp lâu dài

Sáng 18/7, Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

alt

Không thể làm theo phong trào

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước đã tổ chức 152 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2.181 gian hàng và hơn 1.139 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, doanh thu hơn 51 tỷ đồng. Cả nước cũng tổ chức 1.311 đợt khuyến mại với 11.372 lượt DN, tổng giá trị khuyến mại đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng; tổ chức 35 hội chợ, triển lãm, thu hút 3.097 DN, doanh thu bán hàng hơn 1.649 tỷ đồng, doanh thu ký kết hơn 252 tỷ đồng…

Khảo sát của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ) cho thấy, trước khi có cuộc vận động, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam “yêu” hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, theo tổng kết của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), đến 71% người tiêu dùng tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong hệ thống siêu thị, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80-90%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cuộc vận động còn nhiều khó khăn, tồn tại. Việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, trong khi các DN vừa và nhỏ lại rất hạn chế về vốn đầu tư và nguồn lực. Theo bà Nguyễn Như Mai - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay mối quan hệ giữa nhà sản xuất, chăn nuôi, chế biến với các DN phân phối còn lỏng lẻo. Đặc biệt, vẫn còn một số DN lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng. Ông Lữ Bằng - Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cũng cho rằng, các chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống chỉ mang tính phong trào, chưa tìm ra được các giải pháp cụ thể thuyết phục thương nhân trong chợ kinh doanh hàng Việt.

Để hàng Việt “phủ sóng” rộng

Thị trường lưu thông cuối năm còn rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho tăng cao, sức tiêu thụ hàng hóa chậm… Chính vì vậy mục tiêu của cuộc vận động trong thời gian tới góp phần kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm để giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.

Bà Dương Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Vinatexmart khẳng định, việc tổ chức các đợt đưa hàng về nông thôn chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, hàng Việt phải “phủ sóng” ở tất cả các khu vực nông thôn. “Để làm được việc này, các DN nên chủ động xây dựng các cửa hàng tiện ích, đại lý, các trung tâm thương mại ở khắp các địa phương, thay vì chỉ đưa hàng Việt về vài ba ngày rồi lại đi” – bà Dung nói.

Ông Lê Bá Trình, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, biên giới nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định, trong thời gian tới cuộc vận động còn nhiều khó khăn thách thức, trong đó việc tháo gỡ khó khăn cho DN, kích thích lưu thông, phân phối hàng về các vùng miền…. là một trong những nhiệm vụ trong tâm. Từ nhận định đó, Thứ trưởng chỉ đạo, bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành, các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt phải nhanh chóng đổi mới quản lý, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối nội địa tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, các Sở Công Thương, DN, ngành hàng phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để tìm giải pháp đưa hàng Việt vào các chợ truyền thống.

Nguồn tham khảo:

Thúy Hà, Người Việt dùng hàng Việt: Hướng giải pháp lâu dài,

http://www.baocongthuong.com.vn/p0c211n24217/Nguoi-Viet-dung-hang-Viet-Huong-giai-phap-lau-dai.htm 

Bình luận của bạn