Người Việt Tự Hào Dùng Hàng Việt

80% hàng nội địa đã ngự trị tại hệ thống các siêu thị. 73% người tiêu dùng Hà Nội quyết định dùng hàng Việt, con số này ở TP. Hồ Chí Minh xấp xỉ 60%. Đây là những kết quả đạt được sau hơn 2 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) đi vào cuộc sống.
 
alt
 
Người tiêu dùng ngày càng tín nhiệm hàng nội địa

"Từ khi có CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôi và tất cả những người trong gia đình tôi đều thay đổi thói quen khi mua hàng. Trước kia, khi đi mua sắm, tôi chỉ chọn những sản phẩm giá rẻ mà không cần biết xuất xứ, thì nay từ quần áo, giày dép, túi xách đến các đồ gia dụng như xoong chảo, nồi niêu, thậm chí cả những cái bút chì, sáp màu cho các cháu… tôi đều xem có phải nhãn hiệu "made in Việt Nam” không thì mới mua” – bà Nguyễn Thu Hưng (Yên Hòa, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Trần Thị Bích Diệp (Đội Cấn – Hà Nội) cho biết, bây giờ khi đi mua sắm, chị rất để ý đến các sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước sản xuất, bởi theo chị Diệp, sử dụng hàng trong nước không những chất lượng tốt, giá thành phải chăng mà còn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, giảm tư tưởng sính hàng ngoại. "Cảm giác khi sử dụng hàng của nước mình, quay lưng với hàng ngoại nhập, niềm tự hào, tự tôn dân tộc được nhân lên” – chị Diệp bộc bạch.

Không chỉ bà Hưng, chị Diệp mà rất nhiều người tiêu dùng trong nước đã thay đổi thói quen kể từ khi CVĐ đi vào cuộc sống. Theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), nếu như trước khi có CVĐ, có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng hóa nước ngoài và chỉ có 23% người tiêu dùng tin và sử dụng các sản phẩm trong nước, thì chỉ sau 1 năm CVĐ đi vào cuộc sống, 2 con số nói trên đã dần dần chuyển hóa cho nhau. Số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: Sau 1 năm thực hiện CVĐ, có đến 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% khuyên người thân nên mua hàng Việt Nam; 36% trước đây có thói quen mua hàng nước ngoài, nay đã dừng mua để thay thế bằng hàng Việt Nam. Và sau 2 năm, 73% người tiêu dùng Hà Nội khi được hỏi đều khẳng định: Chỉ sử dụng hàng trong nước sản xuất. Đối với TP.Hồ Chí Minh, con số này là xấp xỉ 60%.

Đáng lưu ý hơn, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu như trong năm thứ nhất, thành tựu nổi bật của CVĐ chủ yếu trên bình diện chuyển đổi nhận thức, tâm lý tiêu dùng thì kể từ sau năm thứ hai cho đến nay, những kết quả đã có thể lượng hóa được. Tại hầu hết các siêu thị lớn, như Metro, Big C, Intimex, Hapro, Coop-mart, Fivimart... tỷ lệ hàng Việt Nam hiện chiếm từ 80% - 90%. Hàng loạt thương hiệu Việt đã được xây dựng, được người tiêu dùng tín nhiệm như Việt Tiến, May 10, Vinamilk, Kinh Đô, Ladoda, Đức Việt…

Đây là những thông tin đáng mừng, cho thấy CVĐ không những làm thay đổi thói quen người tiêu dùng mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước đối với tất cả các công dân là người Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hàng nội địa đã có chỗ đứng nhất định và ngày càng nhận được niềm tin từ tiêu dùng Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng trong nước nhận đã thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước để rồi thay đổi thái độ, hành vi mua sắm. Họ để ý hơn xuất xứ của mặt hàng họ định sắm chứ không ham rẻ quá, đồng thời tâm lý "sính ngoại” cũng được đẩy lùi dần. Đồng thời, thông qua CVĐ, các cơ quan quản lý đã kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Bộ, ngành, doanh nghiệp nỗ lực vào cuộc

Bước sang năm thứ 3, CVĐ đã và đang tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các cấp, chính quyền và người dân cả nước. Đặc biệt, trong cả năm 2011, cộng đồng doanh nghiệp trong nước gặp vô vàn khó khăn, gánh nặng lãi suất và hàng tồn kho khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh đình đốn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Với những nỗ lực nói trên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ như Vinatexmart, Co-opmart... đã liên tục khai trương thêm những cơ sở kinh doanh mới trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Nhiều cửa hàng bình ổn giá, điểm bán hàng đã được mở ra dưới sự hỗ trợ của các Sở Công thương các tỉnh, do đó đã tạo ra sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, tăng đáng kể sức tiêu thụ, góp phần giảm bớt gánh nặng tồn kho của các doanh nghiệp. Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, Bộ Công thương còn tổ chức các đoàn giao thương, các tuần hàng Việt Nam trong chương trình kết nối với hệ thống phân phối của các tập đoàn lớn như Metro, BigC, Aeon... tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Có được những kết quả nói trên, là nhờ sự nỗ lực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cấp, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tập trung nhân lực và vật lực cho CVĐ.

Song, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những mặt được, CVĐ cũng còn bộc lộ những tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – ông Vũ Vinh Phú đặc biệt nhấn mạnh đến việc các DN cần phải tập trung cải tiến mẫu mã, hình thức, nâng cao chất lượng các sản phẩm hơn nữa. Nếu không, trong thời gian tới, khi thuế nhập khẩu hàng hóa ngày càng xuống thấp (chỉ còn 0 - 5%), thì nguy cơ hàng nội bị hàng ngoại chèn ép trở lại là rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đang chủ trì thực hiện Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến”, dự kiến giới thiệu website chính thức của Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vào ngày 18 -7 -2012 tới để tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động và hỗ trợ DN Việt Nam bán hàng Việt; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và chuẩn bị triển khai thực hiện nội dung Đề án "Đưa hàng Việt về nông thôn một cách bền vững thông qua các Hợp tác xã thương mại” (dự kiến ở Thanh Hóa) và triển khai các nội dung xúc tiến từ chương trình khuyến công trong đó xây dựng Đề án "Phát triển thị trường nội địa đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn giai đoạn 2012-2015”.

Nguồn:
Duy Phương, Người Việt Tự Hào Dùng Hàng Việt,
http://www.baomoi.com/Bai-1-Nguoi-Viet-tu-hao-dung-hang-Viet/45/8894280.epi
Bình luận của bạn