Người Việt và hàng Việt

Tròn 4 năm triển khai, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (NVNƯTDHVN) người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) đã được những gì? Câu trả lời từ nhiều DN, đó là họ đã và đang được hưởng lợi rất nhiều: DN và sản phẩm trong nước đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, thương hiệu được nâng lên, doanh số bán hàng tăng, còn người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn mua sắm những sản phẩm chất lượng, với giá bán cạnh tranh…

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rơi vào vòng xoáy khủng hoảng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khó khăn chồng lên khó khăn, cuộc vận động đã tạo ra chất xúc tác, thổi một luồng sinh khí mới vào các DN. Để tồn tại, không còn cách nào khác, DN phải tự đổi mới để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, giá rẻ, còn người tiêu dùng vì DN Việt, vì hàng triệu lao động mà ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng Việt. Nói như lời của một Đại sứ hàng Việt, khi chọn mua một sản phẩm trong nước thay cho hàng ngoại nhập là chúng ta đã tạo cơ hội cho một công nhân có việc làm. Chính vì lẽ đó, 4 năm trôi qua nhưng tinh thần thực hiện cuộc vận động chưa khi nào lắng xuống.

Trong những tháng đầu năm 2013, hàng loạt DN của TPHCM ngược xuôi đến các tỉnh, thành để không chỉ tìm nơi tiêu thụ hàng hóa, mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị đưa hàng Việt về với nông thôn. Trong lĩnh vực bán lẻ, việc đưa hàng Việt cũng như nâng tỷ trọng hàng trong nước tại các siêu thị đã trở thành xu hướng chung của các nhà kinh doanh trên địa bàn cả nước, đặc biệt trong bối cảnh có quá nhiều sản phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng.

Không dừng lại ở các siêu thị, cửa hàng trong nước như Co.opmart, Vissan, Co.op Food, Vinatexmart, Maximark, Citimart, tại nhiều hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte mart, Giant, BigC, Metro… hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ rất lớn, thậm chí một số siêu thị, con số này lên tới 96% tổng lượng hàng hóa bày bán.

alt

Bên cạnh thành công ban đầu, cuộc vận động vẫn còn những hạn chế nhất định. Tại mỗi địa phương, dù đã chủ động xây dựng chương trình hành động riêng, nhưng ở tầm vĩ mô vẫn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa tạo được sợi dây gắn kết và xuyên suốt nên rất khó vận động các DN đồng hành. Cơ chế hỗ trợ cho các DN của TPHCM đầu tư ra các tỉnh để phát triển mạng lưới phân phối, siêu thị tại các tỉnh gần như không có.

Bằng chứng là hàng loạt các mặt bằng tốt nhất ở nhiều tỉnh đã rơi vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm quảng bá cho hàng Việt chưa mang tính chuyên nghiệp nên rất khó làm được vai trò cầu nối giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng. Mặt khác, tự thân nhiều DN vẫn mang tâm lý e ngại làm lại từ đầu khi phải chinh phục thị trường trong nước…

Để cuộc vận động thực sự đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, hàng Việt cần một cơ chế riêng. Trước hết, Nhà nước tiếp tục là người dẫn đường trong việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh hàng Việt, tạo điều kiện hơn nữa về vật chất lẫn tinh thần cho DN trong việc mở rộng hệ thống phân phối. Ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu tiên về nhập khẩu dây chuyền sản xuất, khơi thông hơn nữa dòng vốn để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Chỉ khi nào có được những công nghệ hiện đại, DN mới có đủ lực cung ứng cho thị trường lượng hàng hóa dồi dào, chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.

Mặt khác, rất cần một cơ chế chính sách cụ thể trong việc tiêu dùng hàng Việt đối với người dân và trong từng DN. Trong đó, các bộ ngành, tập đoàn kinh tế, các tổng công ty phải là người đi đầu trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Nếu có sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội, chắc chắn cuộc vận động sẽ đạt hiệu quả cao.

Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng

Bình luận của bạn