Nhận diện hàng Việt: Không lẽ loanh quanh hội chợ?

Hội chợ tuần nhận diện hàng Việt đang diễn ra rầm rộ tại Hà Nội và Tp.HCM.

Mục đích thoạt nghe cũng có lý, để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng, hàng hóa trong nước. Nhưng liệu đã đủ chưa, còn cách nào khác hiệu quả hơn ngoài chuyện tổ chức hội chợ?

Nhân dịp hội chợ lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau 6 năm triển khai cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt", hàng Việt ngày càng có vị trí tin cậy to lớn trong lòng người tiêu dùng, khảo sát cho thấy 63% xác định ưu tiên dùng hàng Việt khi có nhu cầu mua, 54% khuyên người thân hoặc bạn bè sử dụng hàng trong nước.

Ai yêu hàng Việt?

Khảo sát mà Thứ trưởng Hải đưa ra có thể là sự đánh giá khả quan cho hàng Việt, dù chưa hẳn đã cao. Nhưng kết quả khảo sát vẫn chỉ là một kênh tham khảo.

Còn thực tế số đông người tiêu dùng cả nước, nhất là ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội có thực sự nhận diện, tin cậy và mua hàng Việt một cách phổ biến hay không mới là chuyện quan trọng. Vậy tiêu chí để người Việt lựa chọn hàng Việt là gì?

Cũng theo một khảo sát gần đây được cung cấp bởi ông Ashish Kanechan – Giám đốc điều hành TNS Việt Nam, có 75% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng giá cả hợp lý là yếu tố tiên quyết. Có 68% người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của chất lượng để hàng Việt cạnh tranh với quốc tế. Người tiêu dùng cũng thích các sản phẩm luôn có sẵn ở cửa hàng, dịch vụ sau bán hàng tốt, thương hiệu thấy ở mọi nơi, bao bì bắt mắt…

Nếu dựa trên khảo sát này, muốn hàng Việt chinh phục được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng phải đáp ứng 4 yếu tố: giá, chất lượng, phân phối rộng khắp và có thương hiệu.

Nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp nội hội đủ 4 yếu tố trên được người tiêu dùng ưu ái lựa chọn khi chiều hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hoá Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… đang tấn công ồ ạt vào Việt Nam.

Đưa ra một so sánh đơn giản giữa hàng Việt và hàng Thái. Hiện nay, hàng Thái xuất hiện rất mạnh và tràn ngập thị trường Việt Nam từ cửa hàng tạp hóa, chợ đến siêu thị và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nội địa.

Nhiều nhà bán lẻ cho rằng người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng Thái hơn bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 đến 20%, rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Hàng Thái có ưu điểm là mẫu mã luôn đổi mới, đáp ứng được các đối tượng thu nhập từ thấp đến cao.

Tại sao hàng Thái có giá nhỉnh hơn hàng Việt mà người tiêu dùng trong nước vẫn chọn, dù thời buổi kinh tế khó khăn? Chẳng lẽ người tiêu dùng quay lưng với hàng nội?

Nếu bỏ chuyện "sính ngoại" sang một bên và nói một cách sòng phẳng, lỗi trước tiên thuộc về hàng Việt và cách quảng bá, không thể trách người tiêu dùng trong chuyện này.

Còn nhớ hồi giữa năm nay, đông đảo người tiêu dùng đã tham dự hội chợ hàng tiêu dùng Thái tại Hà Nội và Tp.HCM, với sự tham gia của khoảng 350 doanh nghiệp Thái, trong đó có 70% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng (thực phẩm, trái cây và đồ uống), mỹ phẩm, spa, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, linh phụ kiện ô tô, sản phẩm điện/điện tử…

Cần phải nhìn nhận, việc xâm nhập thị trường Việt của hàng Thái được tiến hành bài bản với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ của họ. Việc Bộ Thương mại Thái Lan liên tục tổ chức Hội chợ hàng Thái Lan trong nhiều năm nay tại Việt Nam đã cho thấy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của nước này nhằm tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam là rất chuyên nghiệp. Nếu để so sánh thì cách làm của hàng Việt còn thua xa.

Liệu Bộ Công Thương có học hỏi cách làm hiệu quả như Bộ Thương mại Thái Lan để hàng Việt có chỗ đứng mạnh mẽ ở các thị trường trọng điểm hay vẫn là kiểu làm hội chợ "được chăng hay chớ", làm dàn trải mà không có trọng tâm.

Ngoài chuyện chất lượng, cách xúc tiến thương mại, công tác xây dựng quảng bá thương hiệu của hàng Việt cũng rất đáng tranh cãi. Tại "Diễn đàn Thương hiệu quốc gia" diễn ra hồi tháng 8/2015, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, có cho rằng thương hiệu mạnh là thương hiệu khiến người tiêu dùng chấp nhận trả cao hơn ít nhất 20% số tiền so với hàng cùng chủng loại; được chọn mua đầu tiên, thậm chí mua ngay cả khi chưa có nhu cầu.

alt

Vậy, câu hỏi đặt ra với hàng Việt là đã có thương hiệu nào đắt giá hơn 20% hàng ngoại vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng hay chưa?

Thực chất thì một vài mặt hàng Việt có thương hiệu cũng không phải ít, nhưng để gọi là thương hiệu thật sự mạnh để người tiêu dùng sẵn sàng chìa túi tiền ra vẫn còn thuộc hàng thiểu số.

Chuyện xây dựng thương hiệu cho hàng Việt cũng đã đề cập nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Không những vậy, theo ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ở mức độ nào đấy, tất cả các tỉnh, thành đang có phong trào xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu của ta đang có những bất đồng, một số nơi loáng thoáng có làm nhưng chưa trở thành chiến lược cụ thể.

Hội chợ chỉ là phần phụ

Quay lại chuyện hội chợ nhận diện hàng Việt. Hội chợ nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 từ ngày 27/9 – 2/10/2015 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Hà Nội) và Nhà thi đấu Phú Thọ (Tp.HCM) với hơn 500 gian hàng của khoảng 300 tập đoàn, tổng công ty và nhiều hiệp hội, doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hội chợ này, nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm giao lưu cũng được tổ chức, là cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, kết nối thúc đẩy hợp tác sản xuất kinh doanh, mở rộng kênh phân phối, cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng.

Đó có thể là những việc làm thiết thực nhưng đã đủ "lực" để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng hàng hoá trong nước hay chưa khi không ít hàng Việt đang được "đóng khung" ở các hội chợ hàng tiêu dùng trong nước như hiện nay?

Các hội chợ chưa thể là phần chính để người tiêu dùng yêu hàng Việt.

Nhiều người có cảm giác các hội chợ hàng Việt nhan nhản ở khắp các tỉnh thành thường là hàng khuyến mãi bình dân, hàng ế, sắp hết đát, hàng dành cho người có thu nhập thấp nên chất lượng cũng chỉ dành cho phân khúc thấp.

Vì thế nên những người rủng rỉnh túi tiền ở các thành phố lớn thường không quan tâm nhiều đến các hội chợ. Nhưng trái lại, khi người Thái hay Hàn Quốc vào Việt Nam tổ chức hội thảo vẫn thu hút đông đảo người tiêu dùng đủ thành phần.

Vấn đề đặt ra là tính hiệu quả của các hội chợ hàng tiêu dùng Việt, hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực sự cao hay chưa, đã làm hợp lý và mới mẻ hay vẫn theo mô típ cũ rích. Đó là chưa kể, để tổ chức những hội chợ như vậy, cũng ngốn một nguồn kinh phí không phải là ít.

Nói một cách sòng phẳng, các hội chợ hàng Việt thực chất cũng mới chỉ là phần ngọn, phần phụ để kích cầu tiêu dùng. Muốn hàng Việt được người Việt nhận diện và yêu dùng thực sự thì phải làm từ phần gốc, chứ không thể chỉ loanh quanh với các hội chợ.

Muốn "lái" hàng Việt trụ vững trước cơn sóng hội nhập thì Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan phải nhìn rõ vấn đề này để bắt tay doanh nghiệp sớm đổi mới cách làm.

Theo dunghangviet.vn

 

Bình luận của bạn