Sản Xuất, Phân Phối Đều Phải Tự Hoàn Thiện
10h07 ngày 31/07/2012
Sau gần 3 năm phát động, thành công nhất của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ NVNƯTDHVN) chính là người tiêu dùng (NTD) ngày càng tin dùng hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để NTD đặt trọn niềm tin vào hàng Việt, điểm mấu chốt các DN cần phải thực hiện là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nâng chất lượng từ doanh nghiệp
Theo điều tra của Tập đoàn Grey (Mỹ), trước khi có CVĐ, 77% NTD Việt Nam chuộng hàng nước ngoài. Nhưng sau một năm triển khai CVĐ NVNƯTDHVN, 59% NTD tự xác định khi mua sẽ ưu tiên hàng Việt và 36% trước đây có thói quen mua hàng nước ngoài đã thay thế bằng hàng Việt. Tổng kết của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng cho thấy, 71% NTD đã tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao, và ngay cả Việt kiều cũng ưa chuộng đồ dệt may, da giày, rau quả hay gia dụng nội địa. Về phía DN, nhận thức được ý nghĩa của chương trình nên đã sáng tạo hơn khi xây dựng chiến lược thị trường nội địa theo hướng "dài hơi", đầu tư có trọng điểm vào chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hậu mãi hơn. Đáng chú ý, trong hệ thống siêu thị của nhiều DN, hàng nội địa chiếm trên 80% hàng bày bán, thậm chí 100% sản phẩm trong cả 73 siêu thị trên cả nước của Công ty Vinatex Mart đều "made in Vietnam", hệ thống Saigon Co.op đạt gần 95%...
Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, CVĐ bộc lộ không ít hạn chế từ chính DN, gồm cả sản xuất và phân phối. Việc xây dựng, phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư lớn, trong khi DN vừa và nhỏ Việt Nam còn yếu trong lĩnh vực này nên khó khăn trong mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, nhiều DN thiếu kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc khách hàng, thực hiện xúc tiến thương mại (XTTM) nên hiệu quả thấp; Năng lực của một số DN sản xuất nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về chất, lượng, chủng loại lẫn giá cả, chưa cạnh tranh nổi với hàng nhập ngoại, đặc biệt, nguyên vật liệu chuyên ngành làm "đầu vào" cho sản xuất còn phụ thuộc giá nhập khẩu, nên giá hàng Việt vẫn cao trong khu vực. Đáng nói hơn, không ít công ty lợi dụng khuyến mãi để thực hiện gian lận thương mại, tiêu thụ hàng tồn, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng…, làm giảm lòng tin của NTD và ý nghĩa của CVĐ.
“Tự hào hàng Việt Nam” - tại sao không?
Làm thế nào để DN có kênh phân phối hiệu quả, NTD biết và mua hàng nhiều hơn? Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết: Tại EU, doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm gần 5% doanh số bán lẻ; tại Anh, trong 10 thương hiệu bán lẻ nổi tiếng có tới 5 thương hiệu bán hàng trực tuyến mà trước kia sử dụng kênh truyền thống. "Ở Việt Nam, tới 1/3 dân số sử dụng internet mà đa phần là giới trẻ, trong khi nhiều NTD trước khi quyết định mua hàng hiện có thói quen tìm kiếm trên mạng để so sánh giá cả, chất lượng hàng… giữa các DN. Tại sao chúng ta không tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để hàng Việt lan tỏa hơn tới NTD trong nước, không những thế còn vươn ra nước ngoài?" - ông Linh đặt câu hỏi.
Xuất phát từ thực tế này, nhằm khai thác lợi thế của internet trong mở rộng hệ thống phân phối cho DN, Cổng thông tin hưởng ứng CVĐ NVNƯTDHVN đã được Bộ Công Thương xây dựng từ đầu năm và chính thức khai trương sáng 18/7 tại địa chỉ www.tuhaohangvietnam.vn. Đây được xem là hướng đi mới của CVĐ giúp quảng bá hàng Việt, cuối năm nay, cổng thông tin sẽ phát triển sang giai đoạn xây dựng hệ thống logistic cũng như giúp DN giải quyết thanh toán nhanh gọn hơn, không chỉ giữa DN với NTD mà cả giữa các DN.
Cùng với sự "tự thân vận động" của DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ vừa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối nội địa, đáp ứng tối đa nhu cầu NTD. Bộ cũng kiến nghị các địa phương tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng nông thôn, biên giới...
VnCharm
Nguồn tham khảo:
Thùy Linh, Sản xuất phân phối đều phải tự hoàn thiện
http://ktdt.com.vn/news/detail/339889/san-xuat-phan-phoi-deu-phai-tu-hoan-thien.aspx
Bình luận của bạn