Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã bước sang năm thứ 4. Cuộc vận động đã gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng trong việc thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm tới các thương hiệu và DN sản xuất trong nước. Đây là thành quả của toàn xã hội cùng vào cuộc, là cơ sở để hàng Việt từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.
Kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố vào đầu tháng 10/2011 đã cho thấy, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. 90% người tiêu dùng tại TP.HCM và 83% người tiêu dùng tại Hà Nội cho biết sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Có thể nói cho đến lúc này DN Việt Nam đã có điểm tựa rất lớn là niềm tin yêu của người tiêu dùng. Chính vì thế trong những năm qua các DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã và đang tiếp tục lao động, sản xuất, cải tiến năng suất kỹ thuật, tiên phong hành động vì mục tiêu của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hàng trăm phiên chợ hàng Việt về nông thôn, các hội chợ hàng Việt nam chất lượng cao (HVNCLC) các tỉnh, chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, đại sứ hàng Việt... càng củng cố thêm niềm tin, sự yêu mến hàng nội của người tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện cho DN thâm nhập và phát triển thị trường tốt hơn. Chính nhờ sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động đã thu hút cả xã hội cùng “xắn tay áo” để cùng làm nên những vị thế ngoạn mục cho hàng Việt.
Trong lĩnh vực bán lẻ, việc đưa hàng Việt cũng như nâng tỷ trọng hàng trong nước tại các siêu thị đã trở thành xu hướng của các nhà kinh doanh trên địa bàn cả nước. Không dừng lại ở các siêu thị trong nước như Co.opMart, Maximark, Citimart, tại nhiều hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte Mart, Giant, Big C, Metro… hàng Việt cũng chiếm tới 90%, cá biệt tại một số siêu thị, con số này lên tới 96% tổng lượng hàng hóa bày bán. Ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải tính toán kỹ hơn trong mua sắm thì còn một yếu tố quan trọng đó là hàng nội đã không ngừng hoàn thiện về mẫu mã và chất lượng, giúp DN có cơ hội phát huy những thế mạnh, có chiến lược tiếp thị, mở rộng thị trường, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Điển hình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt doanh số trên 1 tỷ USD, tham gia hiệu quả bình ổn mặt hàng sữa nội. Công ty Vissan đảm bảo cung cấp lượng thực phẩm sạch, an toàn phục vụ nhu cầu trong nước, từng bước khôi phục thị trường nước ngoài. Hệ thống Co.op Mart từ nhiều năm qua không ngừng phát triển hệ thống phân phối nâng tổng số điểm bán trong hệ thống lên 59 siêu thị, 44 cửa hàng Co.op Food, 124 cửa hàng Co.op. Doanh thu hàng Việt của hệ thống ngày càng gia tăng, năm 2010 doanh thu đạt 10.500 tỷ đồng, năm 2012 đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Kết quả thăm dò dư luận xã hội về Cuộc vận đông người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho thấy người nông dân, công nhân đã có chú ý hơn đến hàng Việt, cảnh giác trước hàng rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều cơ quan, đơn vị, DN nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội đã có chuyển biến tích cực trong việc mua sắm chi tiêu công bằng cách ưu tiên dùng hàng Việt.
Là địa phương đi đầu cả nước trong việc kêu gọi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt bằng nhiều phương pháp phong phú và đa dạng, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy thành quả này và nhân rộng thêm sức lan tỏa. Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, một trong những điểm nhấn của chương trình hành động năm 2013 là thực hiện chương trình kết nối sản phẩm đặc sản, làng nghề với hệ thống phân phối các trung tâm tiêu dùng lớn. Cụ thể, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đang xúc tiến chương trình hợp tác với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) nhằm tư vấn, huấn luyện, kết nối nhà sản xuất công nghiệp nông thôn với thị trường; Đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ thực hiện thí điểm chương trình nâng cấp chợ huyện tại 7 tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và miền Trung; Tập trung thúc đẩy đưa hàng Việt vào các thị trường ASEAN và Trung Quốc thông qua việc tăng cường liên kết chặt chẽ với các cơ quan đại diện thương mại tại Việt Nam của các quốc gia, các hiệp hội DN các nước để tìm kiếm nhiều hơn nữa những cơ hội kết nối, tổ chức nhiều hơn nữa những chuyến đi thực địa thị trường trong những dịp hội chợ triển lãm quan trọng của khu vực.
Ngoài ra trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động bằng những kế hoạch cụ thể, để cùng các địa phương khác xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc vận động mang tầm vóc quốc gia. Phấn đấu đến năm 2015, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước theo quy định của Chính phủ và UBND thành phố (ngoại trừ một số trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn trong nước chưa sản xuất được); 100% tổ chức mặt trận đoàn thể các cấp tuyên truyền về cuộc vận động và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện cuộc vận động… Bên cạnh đó thành phố xem xét rà soát, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình hành động của thành phố thực hiện cuộc vận động gắn với chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục nghiên cứu để có các chính sách cụ thể hơn, mạnh hơn, thiết thực hơn giúp DN đổi mới thiết bị, sản xuất sản phẩm mới, quảng bá sản phẩm; Có cơ chế ưu tiên giới thiệu các DN sản xuất trong nước, nhất là các đơn vị làm ăn có hiệu quả.
VnCharm
Nguồn: