Thái Bình: Đưa hàng Việt về nông thôn

Tổng kết sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” của tỉnh Thái Bình, Hội doanh nhân nữ Thái Bình được ghi nhận là một trong tổ chức hội có thành tích tốt trong công tác đưa hàng Việt về nông thôn.

alt

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Thái Bình cho hay, đây là cuộc vận động có ý nghĩa lớn mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hưởng ứng cuộc vận động này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. “vấn đề quan trọng là làm thế nào để cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống hàng ngày và trở thành văn hóa tiêu dùng của từng con người Việt Nam” - bà Hồng nói.

Thời gian qua ban chấp hành Hội doanh nhân nữ Thái Bình tích cực vận động chị em doanh nghiệp hội viên chung tay xây dựng kế hoạch, đề ra những chương trình hành động cụ thể. Trong đó, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp hội viên sử dụng hàng Việt khi thực hiện mua sắm, đầu tư và sử dụng hàng hóa của nhau. Tuyên truyền, vận động các đơn vị nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đến nay, hội đã tổ chức được hàng chục đợt đưa hàng về nông thôn và nhiều đợt đi khảo sát thị trường trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, ban chấp hành Hội doanh nhân nữ Thái Bình tổ chức các hoạt động chia sẻ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm cho hội viên về phương thức sản xuất - kinh doanh, tìm hiểu thị trường và hỗ trợ kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, giúp các hội viên nắm chắc các kiến thức để sản xuất - kinh doanh. Do vậy, hầu hết hội viên đều đứng vững trong cơ chế thị trường. Đặc biệt, qua cuộc vận động này nhiều doanh nghiệp hội viên tận dụng cơ hội mở rộng các mô hình sản xuất, quy mô kinh doanh đã tạo ra được mức tăng trưởng cao doanh thu năm sau cao hơn năm trước, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, được người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn.

alt

Tính đến nay, các doanh nghiệp hội viên Hội doanh nhân nữ Thái Bình hiện đã thu hút và tạo việc làm cho trên 13.000 lao động có thu nhập bình quân từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng, thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người lao động. Tiêu biểu như Công ty Du lịch thương mại Hải Bình, Công ty Dược vật tư y tế Thái Bình, Công ty Tam kỳ, Công ty TNHH Vĩnh Trà, Công ty SXKD Xuất nhập khẩu Lam Sơn… và nhiều đơn vị  khác đã và đang vượt lên khó khăn, thử thách, đóng góp tài năng, sự sáng tạo, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng phát triển và đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. “Những đóng góp của các nữ doanh nhân đã được xã hội đánh giá cao và được các cấp ủy đảng, chính quyền ghi nhận, đây sẽ là động lực thúc đẩy, động viên các nữ doanh nhân đững vững trong cơ chế thị trường hiện nay” - bà Hồng chia sẻ.

Nhìn lại sau 3 năm tiến hành cuộc vận động, là người đứng đầu một doanh nghiệp lại là người thuyền trưởng của Hội doanh nhân nữ Thái Bình, bà Hồng băn khoăn cho rằng, mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn quá nhiều việc phải làm, bởi dù công tác tuyên truyền về tiêu thụ hàng nội mạnh đến đâu, thì cuối cùng yếu tố quan trọng vẫn là chất lượng, giá trị sử dụng hàng hóa. Trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tràn ngập thị trường khiến người tiêu giảm lòng tin với hàng Việt, thì việc doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu đẹp, giá cạnh tranh sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Thực tế đã chứng minh, nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt đã, đang được người tiêu dùng ưa chuộng, lựa chọn như các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm… Theo bà Hồng, để sức lan tỏa của cuộc vận động ngày càng rộng, các doanh nghiệp cần khắc phục những hạn chế, đặc biệt quan tâm đến tâm lý và quyền lợi của người tiêu dùng, cải tiến công nghệ để sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá cạnh tranh, củng cố thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời, đăng ký và bảo hộ sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, mở rộng hệ thống các cửa hàng, đại lý và thực hiện nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi, kích thích sức mua.

Tăng cường đưa hàng hóa về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ người tiêu dùng. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt hơn cuộc vận động  góp phần kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Hội doanh nhân nữ Thái Bình tiếp tục kêu gọi các đơn vị phát triển kinh doanh  gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành hàng trong và ngoài tỉnh để  đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mãi để cuộc vận động được lan tỏa sâu rộng hơn nữa” - bà Hồng cho biết thêm.

Thành Nam

Nguồn: Báo Công Thương

Bình luận của bạn