Thận trọng với hàng Thái
Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam đang làm dấy lên mối lo ngại cho cuộc cạnh tranh của hàng Việt ngay trên sân nhà.
Liên tục quảng bá
Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 8-2013 tại Hà Nội và TPHCM đã diễn ra liên tiếp những hội chợ giới thiệu hàng hóa Thái Lan. Cụ thể, từ ngày 15 đến 18-8, Cục Xúc tiến Thương Mại, Bộ Công thương Thái Lan và Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội đã cùng phối hợp với CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VINEXAD) tổ chức Triển lãm Sản phẩm Thái Lan 2013.
Triển lãm này đã được tổ chức liên tục trong 12 năm qua. Trước đó ít ngày, tại TPHCM cũng diễn ra hội chợ thương mại sản phẩm Thái Lan với sự tham gia của 180 DN. Đây cũng là hội chợ thường niên và thu hút rất nhiều người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.
Hàng Thái Lan được ưa chuộng do khâu quảng bá tốt và chất lượng ổn định.
Có thể nói, từ khá lâu hàng hóa Thái Lan đã được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhờ yếu tố chất lượng. Từ những sản phẩm trong ngành hàng tiêu dùng đến linh kiện điện tử, đặc biệt là xe máy và phụ tùng xe máy Thái Lan được nhiều người Việt tin dùng.
Thử nhập thông tin hàng Thái Lan nhập khẩu trên công cụ tìm kiếm Google sẽ thấy xuất hiện rất nhiều cửa hàng, siêu thị mini chuyên bán những sản phẩm nhập khẩu từ đất nước chùa vàng này. Và nếu khảo sát tại một số khu chợ truyền thống cũng thấy sức ảnh hưởng của nhóm hàng này. Đặc biệt, từ sau khi người Việt bắt đầu tẩy chay hàng Trung Quốc do những lo ngại về chất lượng, hàng Thái lại càng có cơ hội lên ngôi.
Tính đến hết tháng 5-2013 kim ngạch song phương hai chiều đạt gần 4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Thái Lan trị giá 2,41 tỷ USD, xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,36 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số nhập khẩu được thống kê theo đường chính ngạch. Giám đốc một DN hàng tiêu dùng Việt chia sẻ “khi đưa hàng về một số khu vực nông thôn thấy hàng Thái được sử dụng khá nhiều”.
Như vậy hàng Thái đã vào Việt Nam thông qua cả chính ngạch và tiểu ngạch. Không chỉ đưa hàng vào Việt Nam, các DN Thái Lan còn muốn mở rộng đầu tư tại thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân này. Tại buổi giao lưu thương mại Việt Nam - Thái Lan diễn ra vào ngày 20-8 vừa qua, ông Petch Chinnabutr, Chủ tịch Viện Thực phẩm Thái Lan, đã chia sẻ trong thời gian tới các DN trong lĩnh vực thực phẩm Thái Lan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Cải thiện chính mình
Là một DN trong lĩnh vực thực phẩm, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ cũng thấy có sự lo ngại trước sự thâm nhập quá nhanh của hàng Thái Lan. Và đặc biệt đến năm 2015 khi nhiều dòng thuế bị cắt giảm, sức ép lên hàng Việt Nam ngay tại sân nhà sẽ còn lớn hơn.
“Song DN Việt lại đang thiếu những người bảo vệ khi chúng ta vẫn còn thiếu đi những hàng rào kỹ thuật” - ông Mười nói thêm. Theo chia sẻ của một số DN, khi hàng hóa của một nước muốn vào nước khác, cái họ lo sợ chính là hàng rào kỹ thuật chứ không phải thuế. Bởi nếu là thuế có thể tính toán ngay được, nhưng hàng rào kỹ thuật lại không như vậy.
Tất nhiên, cũng không thể đổ lỗi hết cho hàng rào kỹ thuật vì nếu bây giờ Việt Nam lập ra các hàng rào kỹ thuật, nó phải phù hợp với các quy định trong nước và trên thế giới. Song nhìn lại công nghệ của không ít DN Việt Nam, e khi lập ra các hàng rào kỹ thuật chính nó lại trở thành con dao 2 lưỡi giết chết hàng hóa Việt Nam.
Nói như vậy để thấy rằng chính các DN cần phải coi lại mình, phải tự nỗ lực đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để dành lại sân nhà của mình. Đồng thời ngay từ bây giờ phải tận dụng tối đa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để chiếm cảm tình và tạo thói quen dùng hàng Việt cho người tiêu dùng.
Nếu không có thay đổi, đến năm 2015 hoặc xa hơn vài năm nữa đến năm 2018, dù muốn, dù không Việt Nam cũng phải có hàng rào kỹ thuật cho mình vì đó là xu hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới. Và sự đào thải ắt sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Và cần hơn nữa là sự chung tay, hợp lực của nhiều DN nhiều ngành hàng. Quay trở lại câu chuyện Thái Lan, vì sao hàng Thái Lan lại được nhiều người Việt ưa chuộng như thế? Đó chính là nhờ chất lượng, nhưng muốn biết chất lượng phải dùng thử.
Và câu chuyện chính là ở đây, theo phân tích, ngành du lịch Thái Lan đã góp phần không nhỏ trong việc xuất khẩu hàng hóa Thái Lan đi đến nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của ngành du lịch cũng đã kéo theo sự hưng thịnh cho các ngành hàng khác. Thế nhưng, chỉ riêng vấn đề này thôi Việt Nam cũng chưa thể sánh bằng.