Thay đổi tâm lý tiêu dùng
Chặng đường 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã có những biến chuyển tích cực. Thế nhưng để hàng Việt “ăn” sâu hơn vào tâm lý tiêu dùng của người Việt, cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ phận.
Hàng nội bị áp đảo
Những kết quả đáng khích lệ sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” được thể hiện qua con số khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA). Cụ thể, có đến 71% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011, có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại Hà Nội là 83%. Tuy nhiên, đằng sau con số này vẫn còn rất nhiều góc khuất, bởi tâm lý “sính ngoại” vẫn còn tồn tại trong tâm lý tiêu dùng. Ngay trong đội ngũ lãnh đạo, đảng viên vẫn còn một bộ phận chưa gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt và vận động người thân hưởng ứng sử dụng hàng Việt. Chứng minh cho thực tế này, ông Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các sản phẩm bàn ghế Xuân Hòa do DN trong tỉnh sản xuất có chất lượng tốt, XK đi nhiều nước, nhưng vẫn không được ưu tiên lựa chọn khi nhiều cơ quan công quyền sử dụng hàng Đài Loan, Trung Quốc.
Một trong những rào cản để hàng Việt khó đến gần hơn với người tiêu dùng chính là tình trạng hàng ngoại nhập giá rẻ, hàng lậu diễn ra ngày càng phức tạp và gia tăng. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất trong nước. Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động TP.Hà Nội dẫn chứng, có rất nhiều bao tải hàng nhập lậu Trung Quốc chuyển qua đường tiểu ngạch tại Lạng Sơn không chỉ làm cho Nhà nước thất thu thuế, mà còn ảnh hưởng đến DN. Các DN phải cạnh tranh khốc liệt khi nhiều DN chưa có các dây chuyền hiện đại, tối tân, các nguyên vật liệu để tiêu hao cho sản phẩm phải lớn hơn dẫn tới hàng hóa kém cạnh tranh trên thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hàng ngoại nhập giá rẻ, hàng lậu đang áp đảo các thị trường truyền thống nên đã tạo ra áp lực cạnh tranh cho DN Việt Nam.
Thay đổi
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, dù các DN trong nước đã tích cực đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phong phú của người tiêu dùng. “Năng lực của DN nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Giá thành sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam còn cao so với khu vực do phụ thuộc vào việc NK nguyên liệu”, bà Thoa nói. Do vậy, DN cần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với giá cả hợp lý, mở rộng kênh phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa qua các kênh bán lẻ hiện đại và kênh bán lẻ truyền thống. Chung cư the k park văn phú Hà Đông phân khúc mới Chung cư the k park gia bán đang hot the k park văn phú dự án mới
Đứng từ góc độ của DN, ông Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, thói quen sử dụng hàng không nhãn mác, hàng buôn bán ở các chợ truyền thống còn nhiều nên khó khăn cho DN Việt có thương hiệu. Lượng hàng đến từ Trung Quốc gây khó khăn cho DN nội. Vì thế, ông Hạnh kiến nghị, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu các rào cản thương mại phù hợp với WTO để hỗ trợ cho sản phẩm trong nước. Còn theo ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đường Quảng Ngãi, cần nêu gương các DN điển hình, tiên tiến có sản phẩm dịch vụ tốt, tích cực hưởng ứng tham gia. Đối với những DN làm ăn không chân chính ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng hàng Việt, cần có chế tài mạnh để xử lý. Ngoài ra, cần có chính sách giảm thuế Thu nhập DN, giảm các chi phí khi tham gia thị trường để nâng cao sức cạnh tranh DN trong nước, hỗ trợ DN đầu tư máy móc, thiết bị, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Hơn thế, các DN cũng cho rằng, cơ quan công quyền phải tiêu dùng hàng trong nước, đồng thời có biện pháp quyết liệt để chống việc lợi dụng cuộc vận động, đưa các hàng kém chất lượng, hàng nước ngoài gắn nhãn mác hàng Việt vào.
VnCharm
Nguồn:
Phan Thu, http://www.baohaiquan.vn/pages/nguoi-viet-dung-hang-viet-thay-doi-tam-ly-tieu-dung.aspx.