Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Cuộc vận động đã giúp tiêu thụ hàng hoá và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2023 do Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tổ chức sáng 6/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nêu rõ, thời gian qua, Cuộc vận động đã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Đơn cử, năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp kệt quệ, sức chịu đựng của người dân đã đến giới hạn, Cuộc vận động đã được triển khai rộng rãi hơn, quán triệt sâu sắc hơn đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đông đảo doanh nghiệp và người dân.

“Dưới góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp đánh giá rất cao việc trong bối cảnh khó khăn nói chung, Cuộc vận động đã giúp tiêu thụ hàng hoá và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Theo đó, Cuộc vận động đã đảm bảo cung ứng hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu đến mọi miền đất nước. Bởi vì đồ ăn thức uống, các sản phẩm thiết yếu nhất cho người dân trên khắp đất nước, kể cả vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đều là hàng Việt Nam. Nếu không có doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và không có doanh nghiệp phân phối đưa hàng hoá lưu thông đến các khu vực thì không thể đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá để chống dịch thành công và không thể đảm bảo thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

Bên cạnh đó, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới đã nêu rõ nhiệm vụ của các Bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với các văn bản khác của Đảng, Nhà nước, hai văn bản của Chính phủ này cần được bám sát để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động. Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương cũng mong muốn các Bộ ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động tham gia hơn nữa vào Cuộc vận động.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ luôn xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mọi nhiệm vụ có liên quan đến nội dung này đều được Bộ Công Thương gắn chặt với Cuộc vận động. Đơn cử như Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó, Bộ sẽ có điều kiện để triển khai và đưa Cuộc vận động đi vào thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết chương trình phối hợp giữa hai bên với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan đến triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Đặc biệt, thời gian qua, việc liên kết phối hợp giữa các bộ ngành với các bộ ngành, giữa các địa phương với các địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp đã được thực hiện rất tốt và được đánh giá cao. Trong đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá rất cao việc các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hàng hoá, dịch vụ của nhau.

“Thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, các chương trình phối hợp rộng hơn nữa với doanh nghiệp ngoài nhà nước để đẩy mạnh sử dụng hàng hoá của nhau, nâng cao hiệu quả Cuộc vận động” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ rõ.

Về tên gọi Cuộc vận động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, giai đoạn những năm 2008, 2009, nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam như nông sản, dệt may… có chất lượng sánh ngang với hàng ngoại. Song nhiều sản phẩm khác như máy móc thiết bị, sản phẩm công nghệ… thì chưa thể có chất lượng ngang bằng với doanh nghiệp ngoại. Đó chính là lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định sử dụng tên gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng hoá Việt Nam.

Đến giai đoạn này, khi hàng hoá đã được cải tiến chất lượng tốt hơn, mục tiêu phấn đấu cho giai đoạn tới chính là hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, sau đó là tự hào hàng Việt Nam. Để từ đó doanh nghiệp có sự chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

 

Bình luận của bạn