Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Thiếu cơ chế hỗ trợ

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa sâu rộng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.

Đó là ý kiến của hầu hết các DN tại buổi kiểm tra kết quả thực hiện cuộc vận động 6 tháng đầu năm 2013 do Ủy ban T.Ư MTTQ TP Hà Nội vừa tổ chức.

alt

Hàng Việt về với nông thôn tại Huyện Thạch Thất

Hiệu quả lớn từ những thay đổi nhỏ

Chợ Thạch Đà, xã Thạch Đà (huyện Mê Linh) hiện có đến 80% hàng hóa bán tại chợ là hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Nguyễn Kiến Trịnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, hàng hóa bán tại chợ chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc. Thực hiện cuộc vận động, các DN đã tích cực đưa hàng hóa đến tới tận các cửa hàng bán lẻ. Từ cách làm này, hàng Việt Nam chất lượng cao dần thay thế hàng trôi nổi, kém chất lượng tại các chợ nông thôn. Kết quả khảo sát một số điểm kinh doanh tại huyện Chương Mỹ cũng cho thấy, hàng do các DN trong nước sản xuất dần được người tiêu dùng (NTD) tín nhiệm. 

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Chi Busine.ss (DN quản lý hệ thống Siêu thị Lan Chi Mart) cho biết: Hiện,  có đến 80 - 90% sản phẩm bầy bán trong hệ thống siêu thị là hàng Việt Nam, điều đáng mừng, NTD đã thận trọng hơn với hàng hàng nhập lậu, đặc biệt là thực phẩm. 

Qua những đợt kiểm tra, khảo sát thời gian qua cho thấy, bên cạnh việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, hàng Việt được NTD tín nhiệm còn do UBND các cấp đã phối hợp với DN tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Doanh nghiệp vẫn tự "bơi"

Mặc dù Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, dần tạo thói quen sử dụng hàng Việt. Nhưng vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục, nhằm đạt kết quả ngày một tốt hơn. Đó là việc phối hợp giữa DN với các ban, ngành để tổ chức các điểm bán hàng còn hạn chế, mạng lưới cung cấp hàng hóa chưa lan tỏa sâu rộng. Và đặc biệt hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng chưa được ngăn chặn triệt để. 

Thực tế hoạt động tại các phiên chợ Việt cho thấy, việc phối hợp giữa DN với các tổ chức chính trị, xã hội trong tổ chức điểm bán hàng còn hạn chế; Chất lượng, mẫu mã một số loại hàng hóa sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của NTD. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn một bộ phận NTD, một số cơ quan có tư tưởng sính hàng ngoại, chưa coi trọng hàng Việt.

Nhiều DN than phiền, hiện cơ chế hỗ trợ của Nhà nước quá thấp, mỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn chỉ được hỗ trợ kinh phí vận chuyển. Trong khi đó, ngoài chi phí này, DN còn phải bỏ ra nhiều khoản khác như quảng cáo, thuê gian hàng lưu động, bốc dỡ... Việc triển khai cuộc vận động của các sở, ngành, MTTQ địa phương chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho DN trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: Nhiều DN tham gia bán hàng ở các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không có lãi, thậm chí bị thua lỗ. "Lãi" duy nhất là xây dựng được hình ảnh thương hiệu của DN với NTD tại các địa phương.

Ông Đào Ngọc Nam - Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt nêu ý kiến, trong thời gian tới, Nhà nước nên quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mẫu mã bao bì. Chẳng hạn, mỗi lĩnh vực nên chọn ra những DN có chiến lược, tiềm năng phát triển và hướng đi đúng đắn… để hỗ trợ xây dựng thương hiệu và trở thành DN định hướng cho thị trường.

Tuy nhiên, bản thân các DN cần chủ động quảng bá sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì để NTD thấy được tính năng ưu việt của sản phẩm; tập trung phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ để người dân có thể mua được sản phẩm với giá hợp lý, qua đó dần có thói quen dùng hàng Việt.

“Để hỗ trợ DN trong quá trình triển khai cuộc vận động, Sở Công Thương Hà Nội phải trở thành cầu nối giữa DN với địa phương trong việc tổ chức các hội chợ hàng Việt; Hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hội chợ hàng Việt; Tăng cường ngăn chặn, xử lý việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.” - Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP khóa Việt Tiệp.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

Bình luận của bạn