Tiền Giang: Nhìn lại ba năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động vào 31 tháng 7 năm 2009. Qua hơn ba năm triển khai thực hiện Cuộc vận động đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Nhiều thương hiệu hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng và ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, tỉnh Tiền Giang đã khẩn trươngthành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" từ cấp tỉnh, cấp huyện cho đến cơ sở (xã, thị trấn), qua đó huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực của tỉnh, góp phần hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động.

alt

Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được triển khai một cách tích cực. Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã tuyên truyền về Cuộc vận động thông qua tổ chức các buổi khai mạc những đợt bán hàng ở các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; Tuyên truyền trên loa phóng thanh xã, huyện, tại trục đường chính và khu vực bán hàng có treo băng rôn để giới thiệu, quảng bá chương trình bán hàng đồng thời lồng ghép tuyên truyền cho cuộc vận động. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện 24 phóng sự, 43 tin, bài với nội dung tuyên truyền phổ biến, kêu gọi mọi người hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Trong ba năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Công Thương, Sở Công Thương Tiền Giang đã tổ chức Chương trình "Khuyến mại và tiêu dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt về nông thôn" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia  đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa và để người tiêu dùng địa phương có cơ hội tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Từ cuối năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 12 đợt bán hàng, với tổng doanh số bán hàng 6,642 tỷ đồng. Trong đó, Sở Công Thương Tiền Giang đã tổ chức 7 đợt, doanh thu bán hàng khoảng 5,681 tỷ đồng; Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư và Du lịch tổ chức 5 đợt, doanh thu bán hàng khoảng 960 triệu đồng.

Trên toàn tỉnh đã tổ chức 7 hội chợ triển lãm, trong đó các cơ quan tỉnh tổ chức 3 hội chợ, triển lãm; doanh nghiệp tổ chức 4 hội chợ, triển lãm; tổng doanh thu đạt 52,58 tỷ đồng. Thông qua Festival trái cây Việt Nam lần thứ 1 tổ chức tại Tiền Giang vào tháng 4/2010 đã có 881 gian hàng bày bán sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu bán hàng đạt trên 4 tỷ đồng. Đến tháng 1/2011 thông qua Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội TP. Mỹ Tho cũng đã có 198 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước bày bán sản phẩm, thu hút hơn 50.000 lượt người tham quan mua sắm, doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng. Hội chợ Phát triển Kinh tế - Thương mại - Nông nghiệp Thành phố Mỹ Tho năm 2012 với quy mô 150 gian hàng và 95 Doanh nghiệp đăng ký tham gia, thu hút trên 45 ngàn người tham quan, mua sắm, doanh thu đạt 4,2 tỷ đồng.

Trong 3 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 7.331 vụ hàng giả và gian lận thương mại, kết quả, phát hiện vi phạm 3.029 vụ, xử lý thu phạt hành chính 10,09 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Tiền Giang, việc triển khai thực hiện cuộc vận động trong ba năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Người tiêu dùng trong nước đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Thông qua Cuộc Vận động, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước được nâng dần lên, trong khi giá cả ngày càng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, khiến cho người tiêu dùng ngày càng có sự thay đổi khi lựa chọn giữa hàng nội với và hàng ngoại, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt có chất lượng; hiện nay tại các chợ, siêu thị, cửa hàng có khoảng 80 % hàng Việt được bày bán.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, nhận ra được tiềm năng của thị trường nội địa, do đó có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới chất lượng ngày càng cao, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu. Thông qua mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đã góp phần tích cực vào việc chủ động bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, tạo tác động tích cực đến dư luận xã hội.

Khi Việt Nam đã gia nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới thì Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" còn mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của sản xuất trong nước. Đứng trước thách thức này cũng như để được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả tích cực hơn, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang rất cần sự chung tay, góp sức không chỉ vì lợi ích của riêng người tiêu dùng hay lợi ích của doanh nghiệp, mà còn vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Để phát huy kết quả đạt được trong 3 năm qua, trong thời gian tới, Sở Công Thương Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Vận động các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với sản phẩm cung cấp cho thị trường bằng cách sản xuất đa dạng, phong phú các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý, phương thức kinh doanh hiện đại, có hệ thống phân phối hàng hóa thuận lợi phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng; Mở rộng kênh phân phối để giúp hàng Việt dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, muốn như vậy ngoài việc sản xuất sản phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng các doanh nhiệp cần liên kết xây dựng thị trường bằng cách tiêu thụ sản phẩm của nhau; có sản phẩm, dịch vụ bổ sung cho nhau; cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau; Tiếp tục tổ chức các đợt bán hàng Việt về nông thôn, cụm dân cư trong các dịp Lễ, Tết; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bán hàng lưu động theo Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” tại các chợ huyện; Tăng cường kiểm tra kiểm soát hàng giả, chống buôn lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

VnCharm 

Bình luận của bạn