Tiếp tục đổi mới, sáng tạo

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khi trả lời báo giới xung quanh vấn đề nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới chương trình đưa hàng Việt về nông thôn...

alt

 

Xin Thứ trưởng cho biết kết quả thực hiện công tác đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua?

Theo thống kê, từ khi có cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn đã tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn. Trong 5 năm qua, các Sở Công Thương trên cả nước đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm; doanh thu hơn 34,47 nghìn tỷ đồng… Bên cạnh đó, đã tổ chức gần 3.000 hội chợ, thu hút hơn 990.474 nghìn lượt DN tham gia. Các ngành hàng tham gia rất đa dạng, phong phú, gồm những mặt hàng truyền thống của địa phương, đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm, chế biến, bánh kẹo, giày dép, đồ gỗ nội thất…

Sau 5 năm thực hiện cuộc vận động, Bộ Công Thương đã phê duyệt 618 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của nhà nước là 375,75 tỷ đồng. Trong đó có 356 đề án xúc tiến thương mại tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo, với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ lên đến 167,78 tỷ đồng.

Hưởng ứng cuộc vận động, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc triển khai thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ DN sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu. Thứ trưởng hãy nói rõ hơn về hoạt động này?

Thông qua Chương trình khuyến công quốc gia, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án hỗ trợ cho các DN sản xuất sản phẩm để thay thế hàng nhập khẩu. Chẳng hạn như: đào tạo nghề, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phát triển sản phẩm mới... Các Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ xây dựng 770 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, giới thiệu các mô hình cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động sản xuất - kinh doanh giỏi, điển hình; hỗ trợ 1.611 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN Việt thông qua kết nối cung- cầu, xúc tiến thương mại, khuyến công, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng tăng cường công tác cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Để hàng Việt thực sự “bám rễ” trên sân nhà và cuộc vận động phát triển sâu rộng hơn nữa, theo Thứ trưởng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần phải triển khai các giải pháp gì?

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần xác định đây là cuộc vận động lâu dài, liên tục, do đó phải tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng. Bên cạnh các hoạt động đã làm thời gian qua thì cần phải chú trọng đổi mới, sáng tạo trong các chương trình để đạt hiệu quả cao hơn.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi hơn nữa cho DN và người dân. Chú trọng công tác xúc tiến thương mại, tiếp tục có chương trình đào tạo nâng cao đội ngũ làm quản lý thương mại.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Công Thương

Bình luận của bạn