Trên 80% người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam

 “Cơ hội vàng” phát triển thương hiệu Việt

Đó là đánh giá của ông Vũ Trọng Kim- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động- tại “Hội nghị giao ban công tác triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2012”.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2011, thực hiện CVĐ, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội, nghề nghiệp, các DN và nhiều cơ quan báo chí… đã tích cực tham gia CVĐ. Bộ Công Thương (thành phần chủ đạo trong Ban chỉ đạo) đã thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2011 gồm 50 đề án của 22 tổ chức XTTM và 16 địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 55 tỷ đồng. Theo báo cáo các Sở Công Thương, năm 2011 đã tổ chức được gần 156 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1.627 lượt DN tham gia, thu hút 655.179 lượt người dân các địa phương đến mua sắm với doanh thu hơn 57 tỷ đồng; các Sở Công Thương tổ chức được 32 đợt khuyến mại, 128 hội chợ, triển lãm thu hút hàng chục ngàn DN tham gia với tổng doanh thu gần 1.600 tỷ đồng… Để bảo vệ sản xuất hàng hóa trong nước, lực lượng QLTT đã kiểm tra 156.182 vụ, xử lý 68.235 vụ vi phạm (trong đó có tới 10.025 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 11.372 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm VSATTP; 39.250 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; 7.588 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá).

alt

Đặc biệt, năm 2011, CVĐ phát triển rộng hơn với sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại Giao đã kết hợp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với 200 doanh nhân và 17 hội DN nước ngoài tham dự, qua đó phát triển thị trường XK cho hàng Việt.

Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả sâu rộng, từng bước hình thành nét văn hóa trong sản xuất và sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, dần xóa bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận người dân. Hưởng ứng thực hiện CVĐ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phát triển, mở rộng hệ thống phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành phố với hơn 3.100 đại lý, 58 siêu thị và hàng trăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước; trong đó năm 2010 thu thêm được 6,2 tỷ USD do không phải thuê dịch vụ nước ngoài (doanh thu dịch vụ chiếm khoảng 30-35% doanh thu của PVN). Tổng công ty Thép Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hàng hóa, vật tư, nhiên liệu trong nước; một số đơn vị đã cải tiến hệ thống lò nung từ sử dụng dầu FO nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng sản xuất trong nước, tiết kiệm 71,6 tỷ đồng/năm. Công ty cổ phần Thành Đô (Lạng Sơn) đã có nhiều giải pháp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng: 95% trong tổng số 100.000 mặt hàng của công ty do các DN trong nước sản xuất. Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị đã thiết lập chuỗi cửa hàng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa với 2.000 mặt hàng nội. Công ty CP XNK Long An chủ yếu bán hàng nội và còn đẩy mạnh XK hàng thương hiệu Việt sang thị trường Campuchia. Tại siêu thị Gia Đình (Móng Cái, Quảng Ninh) có 3.000 mặt hàng thương hiệu Việt, chiếm tỷ lệ trên 81% các mặt hàng…

Theo số liệu nghiên cứu mới đây về xu hướng tiêu dùng của Công ty Nielsen (báo cáo của Bộ Công Thương) cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP.HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; TP. Hà Nội là 83%. Trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 36% chủ động khuyên người dân bạn bè ưu tiên dùng hàng trong nước. Nhìn chung, năm 2011, CVĐ đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi và đóng góp không nhỏ vào việc nâng tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước năm 2011 ước đạt 1.004,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 95 tỷ USD), tăng 24,2% so với năm 2010. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của nền kinh tế trong điều kiện có nhiều bất ổn về tình hình kinh tế thế giới và trong nước.

Theo ông Lê Bá Trình- Trưởng ban thường trực cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Đối với các DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có thể coi là “cơ hội vàng” để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đồng thời cũng là dịp để các DN khẳng định vai trò, trách nhiệm và khả năng hoạt động của mình đối với thị trường và người tiêu.

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Bá Trình đã chỉ ra những hạn chế của CVĐ. Tuy đã 3 năm thực hiện CVĐ nhưng đến naymột số cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện CVĐ. Đến tháng 1/2012 còn 34/63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc và 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện CVĐ theo tinh thần của Bộ Chính trị. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức sơ kết thực hiện CVĐ của Ban chỉ đạo ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng, bị động, thiếu nghiêm túc. Trong năm 2011, còn 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc và 20/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa xây dựng kế hoạch triển khai CVĐ; 6/63 tỉnh, thành phố và 18/25 bộ, cơ quan ngang bộ chưa tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện CVĐ.

Sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo CVĐ với các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị- xã hội, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan quản lý, cơ quan tuyên truyền, báo chí trong triển khai thực hiện CVĐ ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Việc tuyên truyền về CVĐ của một số cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chưa thường xuyên liên tục, chỉ rộ lên ở những đợt cao điểm, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt CVĐ. Qua theo dõi trên 19 báo điện tử cho thấy, trong năm 2011, có 6/19 báo điện tử chỉ có từu 3 đến 5 tin bài tuyên truyền về CVĐ; 5/19 báo điện tử chỉ có từ 6 đến 15 tin bài tuyên truyền về CVĐ. Việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo CVĐ chưa nghiêm nên nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo CVĐ ở Trung ương và địa hương chưa thực hiện hết trách nhiệm đã được giao phó, chưa tham gia tích cực trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện CVĐ. Lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong triển khai CVĐ…

Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho hàng hóa thương hiệu Việt đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng chưa thực hiện tốt; đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… gây băn khoăn, lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Những hạn chế đó nguyên nhân chính là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp về CVĐ còn những mặt hạn chế, bất cập; từ đó buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện CVĐ ở địa phương, đơn vị, thậm chí có nhiều nơi còn có biểu hiện giao khoán công việc cho Ban chỉ đạo và Mặt trận (kể cả ở Trung ương).

Phát biểu góp ý tại hội nghị, ông Tô Hoài Nam- Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN- cho rằng: Để CVĐcó chuyển biến tích cực và đạt được những kết qua mới cần phải chọn nhưng giải pháp mới. Trước hết, cần tập trung vào giải pháp củng cố, phát triển mạng lưới bán hàng- vì đây là khâu quan trọng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Bên cạnh đó cần tăng cường chống hàng lậu, nếu không sẽ không có cơ hội cho hàng trong nước phát triển. Giải pháp thứ hai là cần chống độc quyền, theo đó, chính sách cần phải khuyến khích các DN lớn, có thương hiệu vững vàng phát triển thị trường ra nước  ngoài, tạo “khoảng trống” cho các DN nhỏ và vừa có điều kiện phát triển và sáng tạo, vì hiện nay DN nhỏ và vừa chiếm đa số DN Việt Nam.

Từ những đánh giá trên, theo Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, phương hướng năm 2012 là tiếp tục đẩy mạnh CVĐ trong các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hướng ứng thực hiện CVĐ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện CVĐ, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo CVĐ các cấp trong việc tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chỉnh quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện CVĐ ở địa phương, cơ sở; rà soát, bổ sung chương trình hành động thực hiện CVĐ.

Bên cạnh đó sẽ rà soát, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư phát triến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt; hỗ trợ kịp thời các DN thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, đặc biệt là DN dịch vụ phân phối hàng về nông thôn, miền núi, vàng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ… cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện CVĐ.

VnCharm

Nguồn tham khảo

http://www.baocongthuong.com.vn/p0c183n20183/tren-80-nguoi-tieu-dung-lua-chon-hang-viet-nam.htm

Bình luận của bạn