Tự hào Hàng Việt - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị

Tham dự hội thảo có gần 200 doanh nghiệp Việt Nam, cùng đại diện cấp cao của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, sáng nay (31.7), Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Samsung tổ chức hội thảo “Tự hào Hàng Việt - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị” tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có gần 200 doanh nghiệp Việt Nam, cùng đại diện cấp cao của Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

alt

63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Thị trường nội địa là “bệ phóng” cho DN trong và ngoài nước

Phát biểu tại hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE khẳng định, người Việt Nam đã qua thời kỳ phải dành hàng hóa tốt nhất cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước được thoả mãn bằng những hàng hoá chất lượng kém hơn.

“Việt Nam đã đặt chân vào nhóm nước thu nhập trung bình và đang hướng đến những cột mốc mới trên con đường phát triển, cùng với việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cần coi trọng việc mở rộng thị trường theo phương châm ‘Người Việt Nam được tiêu dùng hàng chất lượng cao để sản xuất ra hàng hóa tốt hơn’”, GS Nguyễn Mại nói.

Cũng theo GS. Nguyễn Mại, Việt Nam có gần 90 triệu người dân, trong đó khoảng 15-20% tầng lớp trung lưu có thu nhập gấp 3 lần GDP/người, mức tăng trưởng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ bình quân 13-15%/năm. Theo đó, một số mặt hàng tăng trưởng cao hơn, thị hiếu tiêu dùng ưa chuộng hàng đẹp, kiểu dáng hấp dẫn, sản phẩm mới... làm cho thị trường trong nước không chỉ là “bệ phóng” đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn kinh tế trong nước mà còn là “lực hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư quốc tế, kể cả các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch VAFIE cũng đưa ra những hạn chế trong quá trình thực hiện cuộc vận động như tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên với một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản; chưa hình thành chuỗi giá trị sản phẩm thích ứng với từng loại hàng hoá như may măc, da giày, điện tử gia dụng, thực phẩm... hệ thống logistic chưa hợp lý, chi phí cơ hội còn cao, làm tăng giá cả hàng hoá đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm nay, giảm thuế phần lớn hàng hoá nhập khẩu bằng 0% vào 2018 là cơ hội lớn, đồng thời là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt. Bởi nếu không có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, không thiết lập tốt hơn quan hệ phân công và hợp tác trong từng ngành hàng theo chiều dọc từ sản xuất đến siêu thị, mạng lưới bán lẻ theo chiều nganh giữa các doanh nghiệp trong từng loại sản phẩm thì khó bền vững trên thị trường trong nước.

Qua 6 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, VAFIE đã kiến nghị với Bộ Công thương về việc nâng lên tầm cao mới cuộc vận động, trong đó nhấn mạnh cách tiếp cận cao hơn về tiêu chí chất lượng sản phẩm, không chỉ hàng Việt Nam chất lượng cao mà là hàng Việt Nam chất lượng thế giới khi nước ta đã và đang trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Microsoft - Nokia, Intel, Canon, LG… với sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng, điện tử gia dụng... có số lượng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường khu vực và thế giới, có chất lượng hàng đầu thế giới.

Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức vào tháng 5.2014, sau 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 92% người tiêu dùng rất quan tâm và quan tâm đến cuộc vận động; 63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, hiện nay, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối, không chỉ của doanh nghiệp có vốn trong nước mà cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo tổng kết sau 5 năm thực hiện cuộc vận động năm 2014, tỷ trọng hàng Việt Nam bán ra tại các cơ sở siêu thị chiếm 90%. Thành công phát triển hàng Việt Nam trên thị trường có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp FDI.

“Đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành kinh tế Việt Nam. Hàng Việt Nam là không chỉ được sản xuất bởi các công ty mang 100% vốn Việt Nam mà còn là các nhà sản xuất đang được đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trên góc nhìn quản lý, đây là quan điểm cần được nhất quán không chỉ về mặt tư tưởng mà còn là về hành động đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.

Đại diện nhà đồng tổ chức hội thảo, ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex chia sẻ, Samsung không muốn chỉ được gắn liền với danh xưng bên ngoài là ‘nhà đầu tư lớn nhất’, ‘doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất’ tại Việt Nam mà Samsung mong muốn thật sự được gọi với cái tên là doanh nghiệp quốc dân Việt Nam. Một doanh nghiệp đúng nghĩa đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân qua việc tạo ra những sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam tin dùng.

Bằng những đóng góp của mình trong việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng cả thị trường trong nước và xuất khẩu, Samsung hy vọng có thể góp phần đưa tinh thần của cuộc vận động không chỉ là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn nâng lên tầm “Người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam”.

Từ đó, những nỗ lực của các doanh nghiệp FDI trong việc sản xuất hàng Việt Nam chất lượng quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hướng tới việc sản xuất ra nhiều hàng hóa có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, phiên thảo luận cũng đã giúp các doanh nghiệp bám sát mục tiêu phát triển thị trường trong nước đối với hàng Việt Nam và đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng. Việc tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững cũng là nền tảng chính giúp hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong tương lai, để người tiêu dùng Việt Nam luôn tự hào về hàng hóa Việt Nam.

Theo báo Lao Động

Bình luận của bạn