Tuần lễ “Tự hào Thương hiệu Việt Nam”: Tiếp sức cho thương hiệu Việt

Nhằm động viên doanh nghiệp (DN) đạt Thương hiệu quốc gia (THQG), hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai “Tuần lễ Tự hào Thương hiệu Việt Nam 2015” từ ngày 1 - 7/8, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

alt

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Lễ báo công với Bác

Niềm tin vào hàng Việt

Tại Diễn đàn “Thương hiệu Việt Nam 2015”, ông Ashish Kanchan – Giám đốc điều hành TNS Việt Nam - một tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu và thông tin thị trường- cho biết, tính đến giữa năm 2015, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm nội đã tăng đến 85%. Bên cạnh đó, nếu trước năm 2008, trên 50% người tiêu dùng Việt Nam muốn sử dụng thương hiệu quốc tế để khẳng định bản thân thì hiện nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 20%. Như vậy, sau gần 6 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng về cách lựa chọn và sử dụng hàng Việt.

Có được kết quả này là do các DN đã nỗ lực không ngừng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, sản phẩm. Với vai trò và chức năng, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, trong đó có Chương trình THQG.

Là một trong những DN vinh dự đạt THQG, ông Trần Trọng Hữu- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khí hóa lỏng Miền Bắc- Đơn vị thành viên của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas)- chia sẻ, PV Gas đã góp phần xây dựng nhanh chóng nền công nghiệp khí Việt Nam, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Kể từ năm 1995 đến hết tháng 4/2015, PV Gas đã cung cấp cho thị trường trên 95 tỷ m3 khí khô, gần 8,6 triệu tấn LPG và trên 1,5 triệu tấn Condensate. Hàng năm, PV Gas cung cấp khí để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện, 70% nhu cầu phân đạm và duy trì khoảng 70% thị phần LPG trong nước phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước.

Nâng cao giá trị thương hiệu

Dù đạt được thành công nhất định nhưng theo các chuyên gia, giá trị THQG của Việt Nam vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Ông Lại Tiến Mạnh- Đại diện Brand Finance tại Việt Nam- cho hay, giá trị THQG Việt Nam năm 2014 được định giá khoảng 172 tỷ USD, chỉ đứng thứ 42 trong tổng số 100 nước trên thế giới; đứng thứ 15 tại châu Á và thứ 6 tại Đông Nam Á. Ngoài một số thương hiệu thực sự có tiếng và vươn ra thế giới như Viettel, phần lớn DN Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn vươn ra thị trường.

Ông Ngô Quốc Thịnh- chuyên gia thương hiệu của Đại học Thương mại- phân tích: “Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh tốt, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, song khi đưa ra thị trường thế giới lại gắn nhãn mác của DN nước ngoài. Điều này khiến giá trị sản phẩm mà Việt Nam thu lại rất ít”.

Nhận thức được điều này, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN đạt THQG mà tuần lễ “Tự hào Thương hiệu Việt Nam” là chương trình điển hình.

Tại tuần lễ này, nhiều hoạt động đã được triển khai, tiêu biểu như chương trình giao lưu “Hành trình tự hào Thương hiệu Việt Nam” được tổ chức với các nội dung: Ôn lại lịch sử phát triển thương hiệu Việt Nam; giao lưu, bàn giải pháp phát triển thương hiệu Việt Nam… Chương trình Diễu hành “Tự hào Thương hiệu Việt Nam” được tổ chức ở cả 2 miền, thu hút gần 2.000 người tham gia. Chương trình triển lãm tranh ảnh “Tự hào Thương hiệu Việt Nam” đã trưng bày những thành tựu lớn trong quá trình xây dựng và phát triển THQG… Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam nhằm chia sẻ, học tập kinh nghiệm phát triển thương hiệu của các DN...

Nguồn: Báo Công thương

Bình luận của bạn