Ưu tiên dùng hàng Việt, tạo gắn kết DN trong nước

 

Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, người tiêu dùng.

Sau hơn 4 năm triển khai kết luận 264 của Bộ Chính trị thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa trong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước được tăng lên rõ rệt. Cuộc vận động đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng.

Qua thực tế triển khai cuộc vận động đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng hiệu quả, thiết thực tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp tự đổi mới, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm chi phí sản xuất

Sau hơn 4 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đảng ủy Tập đoàn Than và Khoảng sản Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động, cụ thể trong đó xác định ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa trong nội bộ Tập đoàn và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước.

alt

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực hiện được 4 năm

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn Than và Khoảng sản Việt Nam cho biết, 4 năm qua, Tập đoàn đã ký hợp đồng nguyên tắc với 7 Tập đoàn và Tổng Công ty chủ chốt để phát huy tiềm lực của các đơn vị trực thuộc khối doanh nghiệp Trung ương và tăng tỷ lệ nội địa hóa nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đã khai thác và cung ứng thêm được một số sản phẩm ngoài than như đồng, kẽm, vàng, vật liệu nổ công nghiệp, cải tiến một số thiết bị cho sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Đức cho biết: “Kinh nghiệm rút ra trong 4 năm thực hiện cuộc vận động là tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy và trách nhiệm của cơ quan chuyên môn trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của cuộc vận động này để có hành động thiết thực”.

Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc tự giác thực hiện mua sắm vật tư thiết bị sản xuất trong nước là hành động thường xuyên và liên tục đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên và người lao động. Các đơn vị trong Tổng Công ty đã tự nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm nội ngành và tự tiêu thụ các sản phẩm của nhau.

Điển hình như các đơn vị kết cấu hạ tầng Đường sắt tiêu thụ các sản phẩm đá của các công ty Đá trong ngành mỗi năm khoảng 60 nghìn/m3, tiêu thụ các phụ kiện xây dựng công trình Đường sắt. Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký kết hợp đồng vận chuyển với Tổng Công ty như hóa chất, Tổng công ty xi măng, Tập đoàn Than và Khoảng sản.

Bà Vũ Thị Hồng Minh, Trưởng ban tuyên giáo đảng ủy Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Các đơn vị trong ngành Đường sắt Việt Nam đã có quy định trong sản xuất kinh doanh như việc mua sắm các trang thiết bị và văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động của cơ quan, đơn vị chủ yếu là dùng hàng Việt. Giảm thiểu việc nhập vật tư, phụ tùng ngoại thay thế. Tăng cường sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục hồi, tái chế phụ tùng”.

Tạo liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp

Theo báo cáo của Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương đến nay, có 23/32 đơn vị trong Khối đã triển khai thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết. Các ký kết hợp tác chiến lược “hai bên”, “ba bên” và “nhiều bên” đã và đang triển khai ở quy mô Tập đoàn và Tổng công ty.

Hơn 4 năm qua, toàn Khối đã có hơn 3.000 công trình, sản phẩm mới, trong đó lực lượng cán bộ trẻ làm nòng cốt đảm nhận 77% tổng số công trình, sản phẩm bằng sức lao động, kỹ thuật và nguyên liêụ, thiết bị, máy móc của Việt Nam, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng so với việc thuê chuyên gia và mua nguyên liệu, máy móc thiết bị của nước ngoài.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc sử dụng sản phẩm hàng hóa của nhau chủ yếu theo quy luật cung cầu, còn mang tính đơn lẻ mà thiếu tiếng nói chung, thiếu sự điều phối thống chất. Nhiều hoạt động hợp tác được các bên ký kết nhưng hiệu quả tổ chức thực hiện còn hạn chế chưa khai thác hết thế mạnh của các doanh nghiệp trong khối.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương, cuộc vận động này đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Từ đó tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp tự đổi mới, tăng cường năng lực canh tranh trên thị trường trên cơ sở tập trung dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để tháo gỡ khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Ngọc nêu rõ: “Ý thức được vai trò vị trí của mình trong nền kinh tế quốc dân, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã thành công đã thành công lớn trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước để chế tạo sản phẩm mang tầm vóc quốc tế.”

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương đúng đắn, đã tạo ra sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước. Điều đó cho thấy Cuộc vận động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, kích thích sản xuất hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất hàng Việt có chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Nguồn: www.dunghangviet.vn

Bình luận của bạn