Vụ " Con Ruồi có giá 500 triệu", Chuyện gì đang xảy ra với Tân Hiệp Phát?
04h36 ngày 13/03/2015
Hàng loạt những câu hỏi được dư luận quan tâm cần được phân tích, nhìn nhận khách quan, thấu đáo để làm sáng tỏ vấn đề: Chuyện gì đang xảy ra với THP?
Dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát (THP) không ổn? Hệ thống phân phối sản phẩm của THP có vấn đề? Hoặc có hay không việc ẩn chứa đằng sau hàng loạt sản phẩm của THP liên tục phát hiện bị lỗi là có mục đích đen tối của bàn tay nào đó?... Đó là hàng loạt những câu hỏi được dư luận quan tâm cần được phân tích, nhìn nhận khách quan, thấu đáo để làm sáng tỏ vấn đề: Chuyện gì đang xảy ra với THP?
Dây chuyền sản xuất không ổn?…
Theo những tài liệu và THP khẳng định, THP là Tập đoàn tiên phong trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất nước giải khát bằng công nghệ Aseptic - một công nghệ sản xuất nước giải khát hàng đầu Châu Âu, được nhập khẩu hoàn toàn từ Đức, Pháp và Italia, được đội ngũ chuyên gia kỹ thuật hàng đầu Châu Âu lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động và khép kín trong môi trường vô trùng, từ khâu thổi chai, chiết rót, đóng nắp, dán nhãn và đóng thùng sản phẩm.
Trong đó, ngay cả không khí đưa vào bên trong buồng chiết vô trùng phải qua ba cấp lọc: lọc thô, lọc tinh và lọc vô trùng để loại bỏ toàn bộ vi sinh vật. Phòng này có 3 lớp cửa nhằm đảm bảo không có bụi bẩn, côn trùng hay bất kỳ vật thể lạ nào có thể lọt vào trong được. Mọi nhân viên làm việc trong phòng này phải mang trang phục và dụng cụ chuyên dụng dành cho phòng vô trùng.
Khi vào máy chiết, chai được dốc ngược và cùng với nắp chạy qua thiết bị súc rửa tự động hoàn toàn bằng nước được tiệt trùng ở nhiệt độ 135 độ C. Sau khi chiết rót, chai được đóng nắp ngay trong buồng chiết. Bộ phận kiểm tra chất lượng sẽ theo dõi liên tục các thông số trên màn hình cũng như kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm tuân thủ theo quy trình ISO 9001:2008 và HACCP.
Chai sau khi chiết rót và đóng nắp sẽ đi qua hệ thống camera kiểm tra để loại ra tất cả các chai có lỗi như lệch nắp, lỗi thể tích,…Để minh chứng cho điều này, THP cho biết sắp tới nhà máy sẽ mở cửa cho người dân đến tham quan dây chuyền sản xuất. Khi đó mọi người có thể thử bỏ dị vật vào chai rồi cho đi qua hệ thống kiểm tra. Nếu hệ thống không loại chai có dị vật hay bị lỗi ra khỏi dây chuyền thì THP sẽ tặng mỗi trường hợp 500 triệu đồng. (!)
Như vậy, theo những gì THP cho biết, nếu hệ thống dây chuyền sản xuất không bị lỗi thì không thể có chuyện sản phẩm bị lỗi của THP được lưu hành ra thị trường. Còn ngược lại…
Kênh phân phối sản phẩm có vấn đề?
Để đưa hàng hoá của mình sản xuất đến với người tiêu dùng ở nhiều nơi, cũng như bao doanh nghiệp khác, THP phải có kênh phân phối sản phẩm. Một là kênh trực tiếp đi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng và kênh gián tiếp: hàng hoá từ nhà sản xuất đi qua nhiều cấp trung gian khác nhau trước khi đến tay người tiêu dùng.
Đối với những sản phẩm nổi tiếng, chiếm thị phần lớn trên thị trường thì hình thức phân phối phổ biến luôn là thông qua nhiều cấp trung gian. Tuy nhiên, hình thức này tồn tại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến yêu cầu bảo đảm chất lượng của sản phẩm vì trong khi vận chuyển, lưu trữ có thể xảy ra các trường hợp như sản phẩm bị vỡ, bị hư hỏng, chất lượng bị giảm sút, bị biến đổi khi đến tay người tiêu dùng.
Còn việc có dị vật như ruồi, gián, ống hút, lông… trong chai thì một là lỗi do dây chuyền sản xuất không kiểm soát được, hai là do con người cố ý tác động từ bên ngoài nhằm mục đích nào đó. Ở đây ta vẫn chưa có cơ sở thuyết phục để xác định THP lỗi dây chuyền sản xuất hay do con người tác động.
“Bàn tay ma”?
Điều thứ ba người viết muốn đề cập là có hay không việc ẩn chứa đằng sau hàng loạt sản phẩm của THP liên tục phát hiện bị lỗi là có “bàn tay ma” nào đó tác động với mục đích đen tối?
Kể từ sau vụ “con ruồi có giá 500 triệu” ở Tiền Giang xảy ra thì sự việc có vẻ đang được một bàn tay vô hình nào đó lợi dụng để châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kéo dài và lan rộng khác? Nhìn một cách đơn giản, mọi việc đang diễn ra chỉ nhằm bảo vệ người tiêu dùng lương thiện? Hay muốn mượn dư luận để danh chính ngôn thuận từng bước tẩy chay lần lượt thương hiệu Việt, mà THP được nhắm đến như là mục tiêu đầu tiên? Hoài nghi điều này không phải không có cơ sở.
Ngay sau vụ “con ruồi có giá 500 triệu”, xuất hiện một số trang mạng xã hội kêu gọi tẩy chay thương hiệu THP vì “bỗng dưng” hàng loạt sản phẩm của doanh nghiệp này bị phát hiện là chứa dị vật bên trong, bất kể chính doanh nghiệp hay các cơ quan chức năng nhà nước, tổ chức quốc tế đã liên tục công bố các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được công nhận và tái khẳng định với quy trình sản xuất hiện nay thì dị vật có trong sản phẩm ở khâu sản xuất là hoàn toàn không thể.
Điều đáng quan tâm ở đây nữa là tẩy chay THP nói riêng hay tẩy chay thương hiệu Việt nào đó bị lỗi nói chung có phải là phương thức phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng? Hay nó sẽ là một cái cớ của những ai đó nhằm vào mục đích khác mà người tiêu dùng không thể biết được?
Vấn đề quan trọng mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng cần phải hiểu là chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp đang bị kêu gọi tẩy chay có đúng thật là “có vấn đề” như mọi người đang nghĩ và câu chuyện đang diễn ra chỉ đơn giản như vậy? Để có được câu trả lời thuyết phục không phải là một điều khó, nếu mỗi người tiêu dùng tự nghiệm lại toàn bộ sự việc. Nhưng sẽ không thể khác được nếu như quan điểm dư luận đã bị dẫn dắt và hướng về một cách nhìn đã được vạch sẵn. Người tiêu dùng thay vì được cung cấp thông tin chính xác để hiểu, để phản hồi hợp lý thì ngược lại, trở thành nơi liên tục được tiếp nhận hàng loạt những thông tin gièm pha, mang dáng vẻ của việc THP có lỗi là sự thật và nó hợp lý; cộng thêm tinh thần đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia với những người tiêu dùng “hoạn nạn” đã bị lợi dụng và bị lôi kéo theo lời kêu gọi của một số trang mạng xã hội không chính danh, hay những lời cổ xúy tiêu cực ủng hộ việc tẩy chay.
Nhiều người tự hỏi đây có phải là giải pháp phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của nước ngoài mà Việt Nam luôn là bên yếu thế? Liệu đây có phải là thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt” để vô hiệu hóa tinh thần “người Việt dùng hàng Việt” của người Việt chúng ta.
Vì sao? - So với hàng loạt “đại gia” đầu ngành nước giải khát hiện nay đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, THP là cái tên thuần Việt duy nhất được xướng danh suốt nhiều năm qua cùng với Coca, Pepsi, URC. Nhưng một ngày, từ một thương hiệu Việt đang trên đà phát triển liên tục lại “đột nhiên” bị kêu gọi tẩy chay bởi vì sản phẩm chứa dị vật. Với một thương hiệu Việt đã được khẳng định tên tuổi, đang trên đà phát triển xông ra biển khơi thị trường khu vực, thế giới như vậy, thử hỏi có dại dột bất cẩn tạo ra những sản phẩm chứa dị vật để tự chôn sống mình?
Điều gì sẽ xảy ra nếu các thương hiệu Việt lần lượt bị tẩy chay, mà THP chỉ là một cái cớ nhỏ để khởi đầu cho câu chuyện lớn? Có chăng chỉ là những mơ hồ về sự ung dung xâm chiếm thị trường Việt Nam, lần lượt làm các thương hiệu Việt biến mất một cách danh chính ngôn thuận, có chăng là những tưởng tượng sơ bộ về tình trạng độc quyền của các sản phẩm ngoại địa, liệu rằng lúc đó quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn? Hay là kinh tế Việt Nam tụt lại, hàng ngàn người lao động mất việc, sản phẩm chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng thì thiếu thốn.
VnCharm
(Nguồn: phapluatxahoi.vn)
Bình luận của bạn