Vụ vải thiều năm 2015: Thắng lợi “kép”

Vụ vải thiều năm 2015, doanh thu vải tươi đạt hơn 2.900 tỷ đồng, các dịch vụ phụ trợ là 1.700 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa cao hơn xuất khẩu (XK).

alt

 
Vải thiều tiêu thụ nội địa tăng mạnh

Tiêu thụ nội địa tăng cao

Tại Hội nghị tổng kết công tác tiêu thụ vải thiều năm 2015 diễn ra ngày 14/8 tại Bắc Giang, ông Phan Văn Hùng- Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang- cho biết: Tổng sản lượng vải thiều năm 2015 đạt 195.000 tấn quả tươi (tương đương với năm 2014), giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng, trong khi các dịch vụ phụ trợ cũng góp phần mang về cho kinh tế tỉnh 1.700 tỷ đồng.

Riêng với huyện Lục Ngạn, ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND huyện- chia sẻ: Vụ vải năm 2015, sản lượng toàn huyện lên đến 118 nghìn tấn, tổng giá trị thu được 1.770 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 60 năm qua. Vải thiều Lục Ngạn XK khoảng 60 nghìn tấn (trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 40%). Những năm trước, vải tiêu thụ trong nước khoảng 30-40%, năm nay tăng lên 50%.

Theo ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- thị trường tiêu thụ năm nay có sự thay đổi so với năm 2014. Vải thiều tiêu thụ nội địa chiếm 55% tổng sản lượng (năm 2014 chiếm 48%), XK 45% (giảm 7% so với 2014). Đáng chú ý, thay vì chỉ có mặt tại một số tỉnh, thành phố lớn như trước, quả vải đã được được tiêu thụ khắp toàn quốc. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa là 107.000 tấn. Riêng thị trường phía Nam khoảng 64.000 tấn, chiếm 60%.

"Đây là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa cao hơn XK. Điều này chứng tỏ, sức tiêu thụ vải thiều trong nước còn rất lớn. Địa phương đã và đang chú trọng, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong những vụ tới"- ông Thái nhấn mạnh.

Để có những thành công trên, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho rằng: Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thiêu thụ vải thiều; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thu mua, tiêu thụ. Thậm chí hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) đưa vải thiều vào bán tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Dương Văn Thái nhấn mạnh: Việc chủ động, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ của Bộ Công Thương cùng với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, đặc biệt là với sự tham gia tích cực của DN, thị trường XK vải thiều ngày càng được mở rộng.

Năm 2015, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất ngoại sang Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN. Sản lượng XK đạt 85.500 tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 80.300 tấn, chiếm 93% tổng lượng XK.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lượng vải thiều XK vào các thị trường mới như Mỹ, Australia còn khiêm tốn (khoảng 250 tấn), song việc XK thành công vào các thị trường này đã khẳng định thương hiệu và chất lượng vải thiều Việt Nam, đồng thời tạo đà XK thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia- cũng chia sẻ tại hội nghị, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác XK vải thiều của Việt Nam năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn do đối tác đồng ý mở cửa thị trường cho vải thiều Việt Nam quá sát thời gian thu hoạch. Bên cạnh đó, việc phải di chuyển vào Nam chiếu xạ phần nào đã đẩy chi phí tăng cao (chi phí vận chuyển, chiếu xạ chiếm gần 80% giá thành một kg vải). Do vậy, không nhiều DN sẵn sàng tham gia XK.

Nhằm đẩy mạnh XK vải thiều vào các vụ mùa tới, theo Bộ Công Thương, cần tăng cường diện tích rồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Trên cơ sở đó, nắm rõ quy trình nhập khẩu và yêu cầu chất lượng đóng gói của nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng trước khi các lô hàng rời Việt Nam, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho DN.

Ngoài ra, DN và cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa trong công tác mở rộng, khai thông thị trường quốc tế, tháo gỡ rào cản trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại đa phương và song phương.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn